Châu Á trước nguy cơ… khát nước

Thứ sáu, ngày 02/07/2010 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Châu Á đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước, có thể cản trở sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực - Arjun Thapan, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo.
Bình luận 0

Theo AFP, ông Arjun Thapan cho rằng các chính phủ cần phải bắt đầu quản lý nguồn nước tốt hơn để ngăn chặn tình hình diễn biến xấu hơn. Ông Thapan nói: "Chúng tôi tin chắc rằng châu Á đang đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng nước và nguy cơ này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Những ước tính gần đây, rằng khoảng cách cung-cầu về nước ở châu Á sẽ lên đến 40% vào năm 2030, là hoàn toàn có lý".

Ông Thapan cảnh báo rằng do 80% nguồn nước ở châu Á được sử dụng để tưới tiêu đất nông nghiệp, nên tình trạng thiếu nước có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm. Ngành công nghiệp ở châu Á chỉ sử dụng khoảng 10-15% nguồn nước. Ông Thapan cho biết hệ số sử dụng nước trong công nghiệp và nông nghiệp chỉ cải thiện 1%/năm kể từ năm 1990.

Ông Thapan cho rằng nếu vấn đề này không được giải quyết, cuộc khủng hoảng nước có thể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của châu Á. Mặc dù các thành phố đang phát triển nhanh chóng ở châu Á là động lực kinh tế then chốt, song nhiều thành phố sử dụng nước không hiệu quả. Điều này thúc giục các nhà hoạch định chính sách của chính phủ phải nhanh chóng thực hiện các cuộc cải cách. Thapan nói rằng "nếu chúng ta không đo khối nước chúng ta sử dụng và trả tiền cho những khối nước đó, chúng ta sẽ không thể quản lý được mức cầu".

img
Một em bé ở Côn Minh, Trung Quốc chờ lấy nước do chính quyền cấp.

Một vấn đề khác là lượng nước đã qua sử dụng ở châu Á hầu như không được xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm lớn tại các nguồn nước như sông hồ. Ông Thapan cho biết trong số 412 con sông ở Philippines, có 50 con sông bị ô nhiễm nặng. Hiện phải cần từ 2-2,5 tỷ USD để làm sạch Vịnh Manila và Sông Pasig ở Manila.

Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, tổng khối lượng nước cho mỗi người hàng năm đã giảm xuống dưới 1.700m khối. Khoảng 50% lượng nước sông Hoàng Hà của Trung Quốc bị ô nhiễm đến mức không thể dùng nước sông này để phục vụ nông nghiệp.

Theo ông Thapan, để quản lý việc sử dụng nước một cách có hiệu quả, người dân phải trả tiền nước, cho dù nguồn nước đó là do một công ty tư nhân hay một tổ chức nhà nước quản lý. Ông nhấn mạnh: "Nước không còn được coi là một nguồn tài nguyên thiên nhiên miễn phí và vô hạn. Nó là nguồn tài nguyên có hạn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem