Chế độ đối với gia đình chăm sóc người khuyết tật hiện nay ra sao?
Chế độ đối với gia đình chăm sóc người khuyết tật hiện nay ra sao?
PV
Thứ hai, ngày 09/12/2024 02:45 AM (GMT+7)
Theo luật sư, gia đình, người thân chăm sóc người bị khuyết tật cũng sẽ được hưởng kinh phí chăm sóc hằng tháng theo quy định của Luật Người khuyết tật 2010.
Bạn đọc Ngọc Quang (Hà Nội) hỏi: Tôi có anh trai hiện nay đang bị khuyết tật, mất khả năng lao động, không tự chăm sóc bản thân được và hiện nay đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Vậy cho tôi hỏi, hiện nay có quy định nào về việc bố mẹ, người thân được hưởng chế độ chăm sóc người khuyết tật không?
Trả lời:
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về chế độ đối với gia đình nuôi dưỡng người khuyết tật như sau:
Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này; Người khuyết tật nặng.
Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm: Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật. Mức trợ cấp xã hội hằng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Ngoài ra, Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng như sau:
Hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 1, điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này; Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, đối tượng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này.
Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau:
Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;
Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).
Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau: Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;
Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng; Được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.