Lợi nhuận ngân hàng quý I.2018 dựa chủ yếu do giảm chi phí.
Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu bền vững
Cụ thể, SSI cho biết: Ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong quý I.2018 đạt con số 51%. Đây là con số ấn tượng, gần như dẫn đầu trong bảng thống kê tăng trưởng lợi nhuận của các ngành trong toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, tăng trưởng trung bình của các ngành chỉ đạt 21,6%. Một số ngành có tăng trưởng mạnh là truyền thông (222,8%), Hàng hoá và Dịch vụ công nghiệp tăng (60,1%), Dịch vụ tài chính (86,2%). Tuy là tăng trưởng mạnh xét theo tỷ lệ phần trăm, nhưng nếu so về giá trị tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối thì ngành ngân hàng vẫn dẫn đầu trong cả khối. Với con số tăng trưởng 51%, ngành ngân hàng đã tăng thêm trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I.2018.
Tuy đạt con số tăng trưởng lợi nhuận cao, nhưng theo phân tích của SSI thì động lực tạo ra tăng trưởng của ngành ngân hàng trong quý này lại dựa trên nền tảng thiếu bền vững đó là chi phí.
Theo đó, tổng thu từ hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng chỉ tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi tổng chi hoạt động (chưa gồm trích lập dự phòng) tăng không bằng một nửa là 15,7% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng có chênh lệch tăng thu và tăng chi cao là BIDV, HDBank, TPBank và Eximbank. Nếu so sánh với các năm trước có thể thấy, tăng trưởng chi hoạt động thường xấp xỉ bằng tăng tổng thu và vì vậy “mức chênh lệch bất thường này khó có thể kéo dài”, SSI nhận định.
Tăng trưởng quý II.2018 khó dựa vào chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần
(Nguồn SSI)
Nhìn vào biểu đồ cấu phần lợi nhuận ngành ngân hàng quý I.2018 có thể thấy, nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần có sức tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt tăng 216,5%; 296,1%; 295,8%. Tuy nhiên, theo SSI phân tích thì đây cũng tiếp tục là yếu tố không bền vững và khó duy trì trong quý II.2018 cho đến cuối năm.
Cụ thể, theo SSI đây là kết quả của việc lợi tức trái phiếu giảm thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý I. Tuy nhiên với xu hướng lãi suất tăng lại trong quý II và TTCK giảm sâu, các nguồn thu này sẽ khó duy trì được đà tăng cao trong phần còn lại của năm.
Riêng với hai nguồn thu chính của các ngân hàng là thu từ lãi, tăng 26% và phí dịch vụ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong năm 2018 nhưng thực tế tăng rất cao, tăng 50%. Theo phân tích của SSI thì chi phí trích lập dự phòng rủi ro toàn ngành tăng chủ yếu do ngân hàng BIDV tăng trích lập lên 156% và ngân hàng VPBank tăng 57%. Riêng 3 ngân hàng giảm sâu chi phí dự phòng có VCB, ACB và TPBank.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.