Mục tiêu lợi nhuận vạn tỷ của những ông lớn ngân hàng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 30/04/2018 10:50 AM (GMT+7)
Lợi nhuận cả năm sẽ đạt con số vạn tỷ, tăng vốn điều lệ "khủng"... là những mục tiêu mà hàng loạt ngân hàng đặt ra trong năm 2018.
Bình luận 0

img

Quý 1.2018, lợi nhuận Eximbank tăng 229% so với cùng kỳ 2017 (Ảnh: IT)

Sau năm 2017 thắng lợi như “chẻ tre”, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tham vọng cho năm tài chính 2018 với khoản lợi nhuận thu về tăng hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù mới hết 1/3 quãng đường (4 tháng) nhưng những gì các ngân hàng làm được trong quý I.2018 phần nào đã thúc đẩy mục tiêu của các ngân hàng đến gần đích hơn.

Mục tiêu đầy tham vọng của các ngân hàng

Như thường lệ, Vietcombank vẫn là “ông lớn” luôn đặt mục tiêu kinh doanh “khủng” trong hệ thống các ngân hàng. Năm 2018 này, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà nhà băng này đặt ra là 13.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1.700 tỷ đồng so với năm 2017 (đạt 11.337 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng và thừa nhận của chính lãnh đạo Vietcombank, chỉ tiêu này còn có tiềm năng vượt xa khi nhà băng này không thể trích lập thêm dự phòng được nữa, vì đến cuối 2017, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã lên tới trên 130%, mà nợ xấu đã giảm xuống rất thấp với 1,1%.

Nói cách khác, Vietcombank là ngân hàng khá thận trọng với nợ xấu, nên nhớ, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ tại VAMC vào 2016. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của nhà băng này luôn ở nhóm cao nhất trong số các NHTM tại Việt Nam. Thế nên, nếu kế hoạch tăng vốn thành công thì con số lợi nhuận có thể còn vượt qua 13.000 tỷ đồng.

Cũng chú ý không kém, VPBank đang khiến giới đầu tư “chóng mặt” khi đặt kế hoạch lãi năm nay lên tới 10.800 tỷ đồng, tăng gần 33% (năm 2017 đạt 8.130 tỷ đồng). Thậm chí, mức lãi này bằng với một “ông lớn” trong hệ thống và Vietinbank (kế hoạch năm 2018 đạt 10.800 tỷ đồng) và còn cao hơn một “ông lớn” ngân hàng khác là BIDV khi nhà băng này chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng.

Cùng với kế hoạch lợi nhuận “khủng” này, VPBank cũng thể hiện ý đồ tăng vốn thêm hơn 77% lên mức 27.800 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Nếu thành công, VPBank sẽ lọt vào top 5 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất.

Techcombank cũng là ngân hàng gây chú ý khi đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hàng loạt chỉ tiêu tài chính khác cũng tăng trưởng hai chữ số như tổng tài sản đạt 315.184 tỷ (tăng 17%); huy động vốn đạt 246.318 tỷ (tăng 40%) và dư nợ tín dụng tăng 18% đạt 213.582 tỷ đồng.

MBBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng trước thuế, tăng 47% so với năm 2017 (đạt 4.616 tỷ đồng).

ACB cũng gây ấn tượng khi đặt mục tiêu lợi nhuận 5.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2017 (2.650 tỷ đồng). Cùng với đó, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 18%, tín dụng tăng 15% và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Một loạt các ngân hàng khác cũng đặt kế hoạch 2018 khá “khủng”, chẳng hạn: HDBank đặt mục tiêu lãi 3.921 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017 (2.417 tỷ đồng); VIB đặt mục tiêu 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với 2017 (1.405 tỷ đồng)... Đặc biệt, năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 57% so với mức thực hiện trong năm 2017 (hơn 1.018 tỷ đồng).

Một số ngân hàng khác thì lại đặt kế hoạch kinh doanh khá “khiêm tốn”, chẳng hạn LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 chỉ 1.800 tỷ đồng, không tăng nhiều so với năm trước (1.768 tỷ đồng); Hoặc, Sacombank chỉ đặt mục tiêu thu về 1.640 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 10% so với thực hiện năm 2017 (1.488 tỷ đồng).

Quý I.2018, các ngân hàng làm được gì?

Hết 1/3 quãng đường của năm tài chính 2018, các ngân hàng đồng loạt công bố những thành quả gặt hái trong quý I.2018. Có thể thấy, đa số các ngân hàng đều đạt mục tiêu tăng trưởng rất ấn tượng.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, kết thúc quý I.2018, nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 4.359 tỷ đồng, tăng 59,3% cùng kỳ. Tổng tài sản của ngân hàng giảm nhẹ gần 32 nghìn tỷ đồng so với đầu năm nhưng vẫn duy trì trên mức 1 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 6,29% so với đầu năm lên hơn 577,6 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3,17%, lên gần 731 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, chỉ riêng quý 1, Vietcombank đã hoàn thành được 1/3 kế hoạch năm.

Kế đến, VietinBank trong quý I.2018 đạt 3.027 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19% so với cùng kỳ. Với thành quả này, VietinBank cũng đi được khoảng 1/3 quãng đường.

VPBank hết quý I.2018 đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ nhưng với kế hoạch 10.800 tỷ đồng, nhà băng này sẽ phải cố gắng hơn trong 3 quý còn lại khi mục tiêu còn tới 8.181 tỷ đồng.

Techcombank trong quý I cũng đạt 2.569 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn phải tăng tốc hơn nữa với mục tiêu gần 7.500 tỷ đồng trong 3 quý còn lại của năm 2018. Trong khi đó, quý I.2018, MBBank đạt 1.746 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đóng góp đến 28% lợi nhuận mục tiêu trong 2018.

Một loạt ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng trong quý l.2018 khá “rực rỡ” so với cùng kỳ 2017, chẳng hạn: HDBank tăng trưởng 170%; Eximbank tăng 229%; VIB tăng 230%; TPBank tăng 139%; Sacombank tăng 63%; ABBank tăng 271%; BacABank tăng 47%; VietBank tăng 81%.

Dù vậy, trong 3 quý còn lại của năm 2018, nhiều ngân hàng vẫn phải cố gắng hơn nữa mới mong đạt chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn, câu chuyện tại Eximbank là một ví dụ, mặc dù trong quý I.2018 ngân hàng này có lợi nhuận tăng 229% nhưng theo ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, dù năm 2017, Eximbank đã đạt lợi nhuận trước thuế là 1.018 tỷ đồng, nhưng con số thực lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ có 660 tỷ đồng.

“Nguyên nhân con số thực tế lợi nhuận năm 2017 chỉ còn 660 tỷ đồng là do phải trừ đi 121 tỷ đồng đóng góp từ thoái vốn khỏi Sacombank và thu hồi được 230 tỷ đồng từ khoản vay không có đảm bảo, chỉ còn hơn 660 tỷ đồng là con số lợi nhuận thực sự của năm 2017”, ông Quyết thông tin. Vì vậy, mặc dù kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của Eximbank là 1.600 tỷ đồng, riêng quý I.2018 đã đạt 560 tỷ đồng nhưng mục tiêu lợi nhuận 3 quý còn lại vẫn là tương đối cao so với tiềm lực của Eximbank hiện nay.

“Dù kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 1.600 tỷ đồng, nhưng thực tế kế hoạch chỉ là 1.080 tỷ đồng (trừ đi 521 tỷ đồng đóng góp từ thoái vốn Sacombank sẽ được ghi nhận trong quý I.2018). Chính vì vậy, so với kết quả 650 tỷ đồng lợi nhuận thực sự năm 2017, thì con số 1.080 tỷ vẫn là một thách thức lớn”, ông Quyết cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem