Chết người do lạm dụng truyền dịch

Thứ hai, ngày 12/07/2010 05:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ba tháng qua, các bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu sau khi truyền dịch tại các phòng mạch và điểm bán thuốc tư nhân, đã có gần 10 trường hợp tử vong do sốc thuốc hoặc thuốc quá “đát”…
Bình luận 0
 img
Truyền dịch phải có sự chỉ định và giám sát chặt của các bác sĩ, điều dưỡng viên (ảnh minh họa).

Mới đây nhất, ngày 7-7, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xác nhận ông D.Q.K (SN 1950, trú tại quận 3) đã tử vong sau khi khám và truyền dịch tại phòng mạch tư của bác sĩ K.H ở cùng quận. Trước đó, ngày 6-7, ông K bị ho và đến khám tại phòng mạch bác sĩ H. Sau khi khám, bác sĩ H đã chỉ định truyền dịch cho nạn nhân.

Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi gia đình nhận được điện thoại báo của bác sĩ H và đến nơi thì ông K đã ngừng thở, trên tay vẫn còn dây truyền dịch. Bác sĩ H gọi cấp cứu 115 đến để xử lý, nhưng khi đội cấp cứu đến thì phát hiện ông K đã tử vong nên không tiếp nhận cấp cứu như yêu cầu của phòng mạch mà gọi Công an quận 3 đến thụ lý. Kết quả giám định pháp y cho thấy, ông K có vết thương phần mềm ở đầu do ngã, tay trái có dấu chích ven, tay phải có dấu kim truyền dịch, vẫn còn máu tụ.

Theo dược sĩ Trương Tất Thọ, khi truyền dịch, hiện tượng dị ứng thuốc có thể xảy ra dưới các hình thức, mức độ như: Nếu nhẹ thì nổi mẩn ngứa, phát ban, tụt huyết áp, khó thở... Nặng nhất là sốc thuốc làm người bệnh bị khó thở, trụy tim mạch dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách đó một tuần, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một trường hợp ở Vĩnh Long cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi truyền dịch. Điều đáng nói, đây chính là chai thuốc dở mà bà ngoại của bệnh nhân này đang truyền thì tử vong. Bệnh nhân tên N.T.D.L, 28 tuổi, sau khi truyền xong chai thuốc đã cảm thấy khó chịu, choáng váng, chân tay bủn rủn nên người nhà vội đưa đi cấp cứu.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tình trạng lạm dụng truyền dịch mỗi khi ốm, sốt tại nhà rất phổ biến hiện nay. Các loại dịch truyền phổ biến là dung dịch đường glucose (5%, 10%), nước muối (nước biển với tỷ lệ natriclorua là 9/1.000), dung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải. Dịch truyền có tác dụng nâng huyết áp cơ thể, để cân bằng các chất điện giải có trong máu khi người bệnh bị mất máu, mất nước do chấn thương, tai nạn, do phẫu thuật, do tiêu chảy, nôn mửa kéo dài, do bị bỏng, do các trường hợp bị mất nhiều mồ hôi trong điều kiệnquá nóng bức

Tuy nhiên, không phải bệnh nào cũng có thể truyền dịch được mặc dù là bị mất nước do sốt. Nếu viêm phổi, viêm não, truyền dịch tùy tiện sẽ tăng áp lực lên sọ, tăng phù não, tăng gánh nặng cho tim, phổi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem