Chi chít bẫy chim, cò giăng khắp cánh đồng, Quảng Bình ra chỉ đạo "nóng"

Trần Anh Thứ sáu, ngày 19/11/2021 14:10 PM (GMT+7)
Để ngăn tận diệt chim trời, săn bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã, Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp.
Bình luận 0

Ngăn chặn nạn "tận diệt" chim trời

Thời gian qua, nạn tận diệt chim trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng như tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã diễn biến phức tạp.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trên cánh đồng của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), những bẫy chim, cò được đặt nhiều trên đồng ruộng, người săn chỉ chờ con mồi sà xuống là dính bẫy. 

Cùng với đó, tình trạng bán chim, cò diễn ra công khai ở chợ và trên nhiều tuyến đường với những chú chim hoang dã bị khâu mỏ khâu mắt trông rất xót xa.

Clip: PV Dân Việt ghi lại cảnh đặt bẫy cò và bày bán chim trời công khai ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Clip: Trần Anh)

Trước thực trạng tận diệt chim trời và săn bắt động vật hoang dã, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi.

Nói về giải pháp đẩy lùi nạn tận diệt chim trời, săn bắt, vận chuyển kinh doanh động vật hoang dã bất hợp pháp, ông Nguyễn Văn Long – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: "Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng săn bắt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã".

Quảng Bình: Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia săn, bắt, giết mổ... động vật hoang dã - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng ở Quảng Bình ra quân xử lý nạn "tận diệt" chim trời". (Ảnh: DP)

Theo ông Nguyễn Văn Long, đơn vị đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học, tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.

Đặc biệt, tuyên truyền không săn, bắt, bẫy, bắn, mua, bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di trú trên địa bàn.

Các hạt kiểm lâm chủ động tham mưu cho chính quyền cấp xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi sử dụng lưới, bẫy và các dụng cụ khác để bắt các loài chim di trú. Đồng thời thu gom, tiêu hủy các loại dụng cụ này, góp phần tạo nơi trú ngụ an toàn cho các loài chim trời.

Quảng Bình ra chỉ đạo nóng về tận diệt chim trời

Để đẩy lui nạn tận diệt chim trời, sau hơn 1 tháng ra quân, liên quan gồm lực lượng kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng… đã thu về 41.000 cái bẫy loại que dính, 3.200 con cò giả, trên 5.400m lưới bẫy chim. 

Các địa phương có dụng cụ bẫy chim bị tháo gỡ nhiều như: thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy…

UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn số 2538/UBND-KT về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.

Tỉnh này yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Quảng Bình: Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia săn, bắt, giết mổ... động vật hoang dã - Ảnh 3.

Giải phóng cho những chú chim trời về thiên nhiên. (Ảnh: DP)

Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

Tỉnh Quảng Bình cũng giao người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh này phải chỉ đạo cơ quan, đơn vị mở đợt cao điểm tăng cường kiểm soát hành vi săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã, khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Kiên quyết loại bỏ khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái quy định...

"Hiện, các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về việc xử phạt cũng như mức phạt đối với các hành vi bẫy, bắt chim trời. Lực lượng kiểm lâm chỉ dừng lại ở việc nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân. Đó cũng là cái khó" - ông Nguyễn Văn Long cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem