Chi tiết cây cầu gần 10.000 tỷ đồng nối liền giữa hai huyện vệ tinh của Hà Nội
Chi tiết cây cầu gần 10.000 tỷ đồng nối liền giữa hai huyện vệ tinh của Hà Nội
Quang Minh
Thứ năm, ngày 04/04/2024 16:27 PM (GMT+7)
Cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hạ tầng đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng, trong đó sẽ khởi công xây dựng cầu Hồng Hà, thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6km, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 9.800 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 10/2024, hoàn thành vào năm 2027.
Theo dự án nghiên cứu tiền khả thi, cầu Hồng Hà rộng 17,5m (mặt cắt ngang) nhưng sau đó nâng lên 24,5m nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ.
Phía Bắc cây cầu nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết, hiện nay địa phương đang tập trung giải phóng đất ở của người nhằm phục vụ cho việc xây dựng cầu. Dự kiến đến tháng 10/2024, cầu sẽ bắt đầu khởi công, xây dựng.
"Hiện nay các thủ tục liên quan đến diện tích, nhân hộ khẩu, điều kiện tái định cư về cơ bản cũng đã xong, chỉ còn chờ khung giá đền bù của Nhà nước. Có 90 hộ dân ở bị ảnh hưởng, trong đó có 65 hộ dân đủ điều kiện tái định cư, chuyển đến nơi ở mới", ông Hà thông tin.
Cầu Hồng Hà khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp. Đặc biệt, giúp địa phương trong việc phát triển kinh xã hội, giao thương buôn bán giữa các vùng.
Còn tại xã Văn Khê (Mê Linh), có gần 200 hộ dân thuộc thôn Khê Ngoại 2 cũng chưa đồng thuận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo UBND huyện Mê Linh, đây là vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, chính quyền địa phương đã có báo cáo, đề xuất, xin ý kiến của UBND TP. Hà Nội xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.
Trước đó, cầu Tứ Liên nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng gồm: cầu Thượng Cát với tổng mức đầu tư khoảng gần 8.300 tỷ đồng, cầu Vân Phúc khoảng 3.444 tỷ đồng, cầu Hồng Hà khoảng gần 10.000 tỷ đồng và cầu Mễ Sở ước tính khoảng 4.881 tỷ đồng.
Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng, trong đó 9 cầu đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
9 cây cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên tuyến Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (trên tuyến đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.