Hôm nay (15.11), báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hội thảo Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều – cung ít, vì sao?
Tại hội thảo, ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, cho biết nhu cầu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ngày càng bức thiết do nước ta đang bước vào cơ cấu dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động 15-19 tuổi.
Số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng cho thấy, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cần phải xây dựng gần 1 triệu căn hộ.
Thế mạnh nhà ở bình dân
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bên cạnh lĩnh vực khách sạn là tập trung vào phân khúc hạng sang, với bất động sản, Mường Thanh chủ trương xây nhà ở phân khúc bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người có thu nhập trung bình trở lên”
Những dự án gắn với tên tuổi của Tập đoàn là Khu đô thị Xa La (Hà Nội), Khu chung cư Đại Thanh, Khu chung cư HH Linh Đàm, Khu đô thị Thanh Hà…
Ông Thắng khẳng định: Mường Thanh đã tạo dấu ấn trong thực hiện những dự án nhà ở thương mại giá rẻ, góp phần “hồi sinh” nhiều dự án bị “đắp chiếu” suốt nhiều năm. Khu đô thị Thanh Hà là 1 trong những ví dụ điển hình.
KĐT Thanh Hà đã vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao giải thưởng “Nhà ở xã hội tốt nhất”, nằm trong các hạng mục Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018.
Giải thưởng một lần nữa tái khẳng định mục tiêu và thế mạnh của bất Động Sản Mường Thanh trong phân khúc trung cấp và giá rẻ, không chỉ mang đến những căn hộ có mức giá hấp dẫn mà còn đảm bảo chất lượng tốt nhất cho những người có nhu cầu thực.
Chung cư Thanh Hà Mường Thanh
Ông Thắng nêu dẫn chứng “Mặc dù bị gắn mác bất động sản giá rẻ, tuy nhiên khu đô thị Thanh Hà lại sở hữu rất nhiều tiện ích mà khách hàng có thể sử dụng. Ở đây có khu liên hợp thể thao rộng hơn 2 hécta bao gồm nhà thi đấu đa năng và bể bơi ngoài trời. Hệ thống kiot dưới chân tòa nhà được phân bổ hợp lý đem lại tự lợi trong việc mua sắm cho người dân”.
Trong tương lai gần, Tập đoàn Mường Thanh sẽ triển khai xây dựng siêu thị trong khu đô thị giữa các cụm tòa nhà đều bố trí xây dựng khu sinh hoạt chung, sân chơi cho trẻ em, dụng cụ tập luyện ngoài trời. Ngoài ra, còn có hệ thống giáo dục và Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với quy mô hơn 200 giường được xây dựng trong khu đô thị.
Vốn mồi chỉ 200 triệu?
Trên thực tế, việc cân đối giữa khả năng tài chính có hạn và mong muốn sở hữu nhà cho nhóm cư dân trẻ là bài toán không hề dễ đối với chủ đầu tư. Bởi đặc trưng tích lũy tài chính ban đầu thấp nên họ cần nhà ở có giá phù hợp, chính sách thanh toán tốt.
“Tập đoàn Mường Thanh gỡ nút thắt này với những ưu đãi về tài chính cho khách hàng. Cụ thể, người dân chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu chưa đến 200 triệu đồng đã có thể sở hữu căn hộ, sau đó, khách hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn đến 70% giá trị căn hộ”, ông Thắng cho biết.
Ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh
Điều này đồng nghĩa, nếu muốn sở hữu căn hộ ở khu đô thị Thanh Hà thì người mua chỉ cần có khoản tích lũy ban đầu 20% cho phần đặt cọc và ký hợp đồng, còn 70% phải đóng từ sau thời điểm này sẽ được vay ngân hàng và ân hạn trả nợ gốc.
Kể từ thời điểm đó cho đến khi nhận nhà thì họ không cần phải chịu áp lực tài chính nào. Đến khi khách hàng nhận nhà mới bắt đầu thanh toán qua ngân hàng và mới tính lãi.
Trích % GDP cho việc phát triển nhà ở
Theo đại diện Mường Thanh, nguồn vốn quan trọng từ ngân sách Nhà nước bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển… có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể đặc biệt từ nguồn ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương nên nguồn vốn này không ổn định, tùy thuộc vào kinh phí phân bổ của Trung ương và địa phương.
Chính vì vậy, Tập đoàn Mường Thanh kiến nghị, Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự như quy định % dành cho nguồn nghiên cứu khoa học (Ví dụ: 0,5-1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hàng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách Nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương).
Vị đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho biết thêm, kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc…Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ từ 1 đến 4% lãi suất vay mua nhà trong vòng 10 - 20 năm lấy từ các quỹ tiết kiệm nhà ở”
“Chính phủ cần hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng, thuế, quỹ đất cho người mua nhà và các đơn vị phát triển loại hình nhà ở này”, ông Thắng nêu đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.