Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hoàng Nhuận Cầm là một thi sĩ, một nghệ sĩ đích thực, với từng tế bào được sinh ra bởi thi hứng của một người cha tài hoa (nhạc sĩ Hoàng Giáp). Sau tập thơ đầu tay Thơ tuổi 20 (in chung với Vũ Đình Văn, 1974), anh tiếp tục gây ấn tượng qua nhiều tập thơ như Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983), tập thơ Xúc xắc mùa thu (1992 – tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007). Hoàng Nhuận Cầm nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Hoàng Nhuận Cầm làm thơ và được dư luận biết đến khá sớm. Năm 1972, khi đang ở mặt trận, chùm thơ của anh đã được trao Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ. Là một người lính - sinh viên, Hoàng Nhuận Cầm đã mang đến cho thơ ca chiến trận cái không khí mơ mộng, lạc quan của tuổi học trò (Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Nhật kí…):
Sáng: Bình minh ấy là bình minh kỉ niệm
Chiều: Hoàng hôn như lạ như quen
Tối: Tắc kè ném lưỡi vào đêm
Có ngủ được đâu
Nằm nghe súng nổ
Nằm nghe lá thở
Đánh trận đầu tiên ai chả thế
Thôi, sáng rồi! vẫn tiếng gà xóm mẹ
Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi
(Nhật kí)
Những vần thơ chiến trận của Hoàng Nhuận Cầm đã tạo nên một sức lay động và lan tỏa rộng khắp lúc bấy giờ. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc khoảng những năm 70, với đề bài "Anh chị hãy viết về một tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích nhất", một cậu học sinh 17 tuổi đã chọn phân tích bài Nhật kí của Hoàng Nhuận Cầm.
Được ban giám khảo đánh giá rất cao, bài phân tích đó đã giành Giải Nhất và được đăng báo Văn nghệ. Tác giả của bài viết là Trương Hồng Quang, hiện là Tiến sĩ Văn học, định cư tại Đức. Bản thân nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng bày tỏ sự tâm đắc đối với bài viết của chàng trai trẻ ngày nào và cho rằng "Quang là người hiểu thơ mình nhất".
Âm điệu ngọt ngào và phong cách thơ giàu chất trữ tình đã làm nên gương mặt thơ Hoàng Nhuận Cầm. Thơ anh nói nhiều đến tình cảm tuổi học trò với những kỷ niệm đẹp và trong sáng (tiêu biểu như bài Chiếc lá đầu tiên, Sông Thương tóc dài, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến…).
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)
Ở chặng đường sau này, thơ Hoàng Nhuận Cầm có thêm một âm hưởng khác: thao thức, dằn vặt với những điều bất ổn của số phận con người. Hiện thực chiến tranh được soi chiếu bằng một cái nhìn khác, trần trụi hơn và cũng khốc liệt hơn (Viên xúc xắc mùa thu, Xuất ngũ, Dưới màu hoa rất đỏ…). Thơ anh định hình rõ nét một giọng điệu thống nhất, nhưng không dễ nắm bắt. Đó là dòng hình ảnh - ấn tượng luôn luôn thay đổi, biến hóa. Giọng điệu đó thường tạo ra những bài thơ duy cảm, nhiều sắc màu.
Năm 1969, Hoàng Nhuận Cầm vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội). Năm 1971, anh tình nguyện nhập ngũ vào Binh chủng Phòng không – Không quân và tham gia chiến đấu từ các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Năm 1976, anh giải ngũ trở về trường cũ học tập và trở thành hạt nhân trong các sinh hoạt văn thơ. Năm 1979 khi Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Khoa Văn có tổ chức một đội văn nghệ xung kích tập hợp những sinh viên ưu tú có khả năng văn nghệ để lên biên giới phía Bắc phục vụ. Và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là nòng cốt của đội văn nghệ này.
Những người tham gia trong đoàn công tác khi về có kể lại chuyện thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được những người lính yêu thích và hưởng ứng như thế nào! Bài thơ Tôi không thể nào mang về cho em là một sáng tác rất thời sự và đọng nhiều cảm xúc chân thực của chàng thi sĩ giàu cảm xúc trong quá trình đi thực tế nơi vùng chiến sự cam go:
Tôi không thể nào mang về cho em
Trên những đồi biên cương chảy máu
Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu
Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An.
(Tôi không thể nào mang về cho em)
Không chỉ là một nhà thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn được biết đến là một nhà biên kịch điện ảnh tài năng. Năm 1981, sau khi ra trường, anh về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyền hình Việt Nam. Anh là biên kịch của những bộ phim ghi dấu trong lòng người hâm mộ như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông 1946, Mùi cỏ cháy…
Bộ phim Mùi cỏ cháy kể về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị với nhân vật chính là 4 người lính – sinh viên Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, nhân vật Hoàng lấy nguyên mẫu từ chính hình ảnh nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ít người biết rằng bộ phim miêu tả hiện thực chiến tranh tàn bạo với những tổn thất hy sinh ác liệt lại khởi nguồn từ một bài thơ tình lãng mạn của Hoàng Nhuận Cầm là Phương ấy:
Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.
Là cái phương sao quá bồn chồn
Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.
(Phương ấy)
Khác với những vần thơ trong trẻo của thời kỳ đầu, thơ viết về chiến tranh sau này của anh trần trụi hơn. Nói đến hy sinh mất mát, tổn thất nhưng vẫn lãng mạn trữ tình, mang dấu ấn thời sách vở học trò mơ mộng:
Mẹ ơi - tóc bạc và mây trắng
Mặt đất bây giờ chắc đã xuân
Đêm ấy con vào Khu Vườn Cấm
Không hái táo - mà đi gỡ bom
Tròn tuổi hai mươi con chỉ biết
Đỏ mặt khi người ta nói hôn.
Mẹ ơi! Trước lúc con vĩnh biệt
Con không kịp thấy chỗ con nằm
Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ
Vẫn quỳ trước Mẹ, trước vầng trăng.
(Thanh thản)
Tôi đã từng chứng kiến những bạn sinh viên trẻ ngồi lặng khi nghe bài thơ Thanh thản được chính tác giả Hoàng Nhuận Cầm đọc giữa giảng đường đầy tâm huyết để các em cảm nhận được sự hy sinh của những người lính khi còn rất trẻ, chưa nếm mùi vị trần thế.
"Chưa nghe Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ thì phí nửa đời người"
Yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm thì càng phải mê hơn nữa khi nghe anh đọc thơ. Lứa sinh viên Khoa Ngữ văn chúng tôi rất nhớ những đêm thơ của sinh viên mà Hoàng Nhuận Cầm là linh hồn làm nên sức hút. Thơ Hoàng Nhuận Cầm vốn đã hay, khi được đọc qua chất giọng âm vang cảm xúc của anh lại càng được cộng hưởng.
Nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy một chàng trai gầy mảnh dáng người khiêm tốn nhưng khi trình diễn thơ lại như "lên đồng", đủ sức lay động mạnh mẽ đến từng giác quan của người thưởng thức đến vậy! Anh đã truyền cảm hứng và lôi cuốn không chỉ sinh viên Khoa Văn mà các lớp sinh viên khoa khác cũng phải tìm đến để trực tiếp nghe thi sĩ đọc thơ. Chúng tôi vẫn nói với nhau: "Đã là sinh viên khoa Văn mà chưa được nghe Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ thì phí nửa đời người!".
Tôi có kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi được anh xung phong "nhảy dù" vào một buổi lên lớp. Hôm đó đang trên đường đến Trường Đại học KHXH&NV để giảng dạy một lớp sinh viên Khoa Ngữ văn thì tình cờ gặp Hoàng Nhuận Cầm.
Anh hỏi tôi đang đi đâu và khi biết tôi chuẩn bị có giờ giảng về Văn học thời chống Mỹ liền hồ hởi: "Cho anh đi cùng với, thơ chống Mỹ thì chính là anh đây này. Để anh nói cho!". Thấy đây là cơ hội quý để tiết học thêm sống động khi các bạn trẻ có cơ hội được gặp và nghe chính nhà thơ bước ra từ chiến trận, tôi đã hào hứng mời anh đi cùng.
Không chỉ đọc thơ như hút hồn mà Hoàng Nhuận Cầm còn bình thơ rất đắt, cắt nghĩa từng vần thơ, phân tích cách ngắt nhịp, nhả chữ rất hay. Anh đặc biệt rất nhớ thơ. Cả thơ của những tác giả khác như Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo… cũng được anh thuộc vanh vách và lấy ra đọc - bình đầy tâm đắc.
Kết quả là thay vì chỉ "đăng đàn" một phần buổi học như dự định ban đầu thì thực tế là suốt 3 tiết học, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đứng nói say sưa, còn ở dưới thì cả trò cả cô há hốc miệng ngồi nghe đắm đuối nuốt từng lời. Đến mức mà tôi đã tự nhủ: "Lần sau đi giảng thơ chống Mỹ thì tốt nhất cứ rủ ông Cầm tới, sinh viên vừa thích mà mình chả phải làm gì". Sau lần xuất hiện đặc biệt đó, mấy bạn giảng viên trẻ trong khoa tiếc hùi hụi còn trách tôi sao không báo để các bạn cũng được đến nghe nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói chuyện.
Hoàng Nhuận Cầm và thơ của anh đi tới đâu thì tạo nên sức hút khó cưỡng ở đó. Lần đấy, anh cùng chúng tôi vào bệnh viện Tim thăm thầy giáo là GS Hà Minh Đức đang nằm điều trị. Khi thầy Đức giới thiệu với các bác sĩ, y tá ở đó rằng "đây là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm", anh đã nhận được lời đề nghị đọc thơ tặng mọi người. Dù không cần đứng trên sân khấu mà chỉ giữa một căn phòng bệnh viện, ở Hoàng Nhuận Cầm vẫn toát lên tố chất của một nghệ sĩ trình diễn với âm từ truyền cảm, những động tác cử chỉ duyên dáng, cách dẫn dắt câu chuyện hóm hỉnh thông minh:
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)
Đọc đến hai câu thơ này, Hoàng Nhuận Cầm quay ra nói với các bác sĩ, y tá: "Đấy câu thơ này tôi viết chính là liên quan đến công việc của các anh chị đây. Quả tim mà cứ gió vào gió ra thế này là mắc bệnh đau tim chứ đâu. Yêu nhiều thì dễ đau tim!..." (anh vừa nói bằng giọng hóm hỉnh vừa quay sang nhìn thầy Đức với ánh mắt tinh nghịch).
GS Hà Minh Đức sau này có kể lại rằng sau lần đó ông được các cô y tá quan tâm chăm sóc hơn hẳn, tiêm xong lại còn được day day nhẹ nhàng, thi thoảng họ lại nhắc sao lâu không thấy anh nhà thơ đến thăm bác. "Công nhận là cậu Cầm cậu ý có duyên và có sức hút, đến tôi nghe cậu ấy mà cũng mê thì chả trách có nhiều cô yêu", GS Hà Minh Đức bày tỏ.
***
Từ hôm anh rời xa cõi tạm đến nay, cứ mỗi lần mở Facebook ra là liên tiếp thấy mọi người đăng thơ Hoàng Nhuận Cầm để nhớ về anh. Mỗi người lại đăng một bài khác nhau, chứng tỏ thơ Hoàng Nhuận Cầm có rất nhiều bài hay và ấn tượng.
Trên trang của Hội những người yêu khoa Ngữ văn, rất nhiều người đã đăng lại những bài thơ nổi tiếng của Hoàng Nhuận Cầm như những kỷ niệm gắn với thời thanh xuân của họ cùng những chia sẻ nhiều cảm xúc. Có ai đó đã nói rằng các nhà thơ là những thiên sứ mà vũ trụ đã gửi đến cho loài người. Và khi họ mất đi thì những bài thơ sẽ thay mặt họ tiếp tục sống trong tâm trí những người đọc các thế hệ, sống với thời gian – những câu thơ thức đợi mặt trời!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.