Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Không thể dùng đại từ "ông" cho Hoàng Nhuận Cầm, dù Cầm đã sang tuổi 70. Với tôi, Hoàng Nhuận Cầm vẫn mãi là anh. Tôi không muốn dùng từ nhà thơ - một danh từ nghề nghiệp đang bị lạm dụng và tự xưng bừa, dễ. Với Hoàng Nhuận Cầm đúng chuẩn là một thi sĩ nguyên chất và hiếm có với trọn vẹn ý nghĩa cao khiết của từ này.
Tháng 4, có sinh nhật tôi, tháng cuối của mùa Xuân nhưng lại “bứt” thêm một người tài hoa tử tế. Mùa Xuân 2021, tôi đau xót khi viết 3 nghệ sĩ - 3 người tôi gọi chú với lòng yêu mến, kính trọng bao năm là: NSND Hoàng Dũng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nay là thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Dằn vặt mình: “Toàn muộn và ân hận. Sao không viết và quan tâm các chú nhiều hơn lúc họ còn sống? Quá ỷ vào niềm tin về tiền bối, hăng say nghề nghiệp được độ trì bởi các đấng siêu nhiên và năng lượng của người tốt trao nhau. Mấy đêm liền tôi day dứt. Cùng một thành phố mà sao ít gặp, chăm sóc nhau dù thâm tâm đã giục?”.
Còn nguyên, nóng hổi, những lần được nghe chú Cầm phát biểu, đọc thơ. Lúc nào cũng nhiệt huyết, say sưa truyền lửa. Đã cầm mic thì dù đứng tại chỗ hay lên sân khấu, chắc chắn Hoàng Nhuận Cầm là ngôi sao thu hút nhất, ấn tượng nhất. Độ đắm mê thi ca hiếm có từ Cầm lan tỏa, khơi gợi, kích động làm tất thảy phải chú ý, bị cuốn hút. Không ai thoát nổi từ trường ấy. Kể cả người không hiểu gì về thơ, cũng chẳng thể thờ ơ.
Vóc dáng gầy nhỏ, mặt nhăn khắc khổ nhưng khi đọc thơ và cười, Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi nghĩ đến câu thơ của cha tôi - đạo diễn Vi Hòa viết khi còn trẻ: "Khi mỉm cười, trời đất bỗng rộng hơn".
Khuôn miệng rộng hợp với bản chất chân thật, hóm hỉnh, đầy say mê của Hoàng thi sĩ. Khi thơ cất lên từ huyết quản anh, thì không gian chung quanh lập tức ắng lại, lãng mạn, bay bổng hơn, như một phép lạ. Bất cứ ai, nếu được nghe Cầm đọc thơ, sẽ không còn để ý đến mọi cảm quan, tiêu chí thẩm mỹ. Quên rằng anh ngăm đen, nhỏ thó, tất tả xe máy cũ, túi vải, điếu cày.
Chỉ thấy một Cầm đẹp xao lòng, vẻ đẹp của một tâm hồn khoáng hoạt, trẻ trung, dào dạt yêu thương. Anh đã yêu, được yêu, một tình yêu lớn ở bên và quyến luyến thi nhân suốt kiếp - thi ca. Nếu như Nguyễn Quang Thiều luôn khiến tôi được cổ vũ bởi ông nuôi giữ cho tôi đức tin vào quyền năng của thơ trong mọi hoàn cảnh của thế giới này thì Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi hàm ơn và trân quý bởi đã cộng sinh cho thơ một sức sống nồng nhiệt nhất.
Con người hằng "náo nhiệt" ấy không chỉ "lên đồng" khi đọc thơ, mà khi nói về phim, về mối tình điện ảnh. Công chúng phổ thông thì nhớ "bác sĩ Hoa Súng" - tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” hơn 20 năm trước, do anh viết kịch bản và thủ vai. Bác sĩ đội mũ trắng có hình tim đỏ cầm cờ trắng đính trái tim, thúc giục "xe ôm" (Tự Long), rong ruổi trên đường, theo sứ mệnh của "Bệnh viện Tâm Hồn".
Hay thơ, pha trò trong các cuộc vui, hình ảnh này thành ấn tượng mạnh đến nỗi bạn bè và người yêu mến anh, cứ coi đó là "nhiệm vụ" đương nhiên. Và ở đâu có Hoàng Nhuận Cầm, ở đó tưng bừng, rôm rả, có khi rơi lệ rùng mình. Các trạng thái ấy do thơ, cách thể hiện của Anh. Hoàng Nhuận Cầm thành công nhất, ấn tượng nhất, "máu lửa" nhất, bền bỉ nhất trong hệ 5X và trong nền thơ Việt Nam đương đại, đem thơ đến với đông đảo người nghe. Không một nhà thơ nào của văn chương Việt Nam hiện nay "cháy" cho thơ ở mọi góc độ, phương diện và thu hút công chúng được lâu dài như Hoàng Nhuận Cầm. Thi sĩ như một "thiên sứ" của khát vọng sống và yêu theo nội hàm sâu rộng nhất.
Người ta còn nhớ anh đóng vai nhà thơ phim Số đỏ. Tôi thì không quên Hoàng Nhuận Cầm vài lần đóng vai Vua (kiểu vua ốm yếu, lười biếng) trong một số phim của Hãng Phim truyện Việt Nam.
Anh được nhớ nhiều bởi thơ, nhưng tầm vóc một cây bút chuyên nghiệp sống bằng nghề đúng nghĩa, chính là các kịch bản điện ảnh giá trị làm nên những bộ phim để đời ghi nhận qua Giải thưởng Nhà nước đợt 4 (2012). Hoàng Nhuận Cầm đã làm diễn viên, được nhớ nhất là vai bác sĩ, còn vai lớn nhất, thành công nhất của anh là vai - chính mình, một thi sĩ nguyên khôi.
Anh viết trong phần Suy nghĩ về nghề, kỷ yếu Hội viên Hội nhà văn Việt Nam: "Mê thơ đến muốn chết, say điện ảnh đến phát mệt. Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động, một mình anh".
Nhạc sĩ Hoàng Giác (1924 - 2019) đặt tên cho 2 người con của ông là Nhuận Cầm, Nhuận Kì, là muốn con theo nghệ thuật và phát sang tài hoa. Ông đã có con trai trưởng sáng danh cha, người con nổi tiếng trong 4 anh em trong dòng họ.
"Náo động" cho mọi người vui còn nỗi buồn thì anh giấu đi. Con người nhạy cảm tinh tế ấy, sao mà hời hợt mau quên. Buồn là thực đơn luân lưu của người đàn ông ba đời vợ mà cuối đời một bóng. Ngôi nhà anh phía trong số 124 Hàng Bạc bán cả chục năm rồi! Xa phố cổ gắn bó cả đời, ông bà Hoàng Giác - Kim Châu về chuyển về khu Đầm Trấu. Cha mất, mẹ sống một mình. Hoàng Nhuận Cầm không ở với mẹ mà đơn thân trên căn hộ chung cư cũ tầng 2 khu tập thể ngõ 190 Lò Đúc.
"May quá người thơ ấy còn đang sống/ Phiến đá đau thương ngậm sóng vào lòng" (Bên dòng thời gian). Ông sống bằng gì sau những lúc hoạt náo sôi nổi bên ngoài? "Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn/ Có lẽ/ Lại buồn hơn" (Nỗi buồn để sống).
Chẳng phải quá nghèo, nhưng thi sĩ tùng tiệm vì còn con trai út đang học năm thứ 2 Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh không tẩm bổ bằng thức ăn và thuốc quý. Anh cắt cơn ho bằng cốc nước nóng uống từng ngụm nhỏ. Anh ăn thất thường, ngày qua ngày với đậu, trứng, cà chua, cá khô, có khi chỉ là bánh đậu xanh, lạc rang, kẹo lạc.
Nạp thực phẩm đạm bạc, mà lao lực viết, biên tập, đọc, nói suốt các chương trình phát thanh, kịch bản phim, bộ não chiết xuất chất xám nhờ đâu? Chỉ trông vào năng lượng tinh thần của say mê, đâu lâu dài nổi khi thở mệt mỗi ngày leo cầu thang mà không thể bỏ thuốc lào, dù tức ngực. Kham khổ, đau khổ mà không kêu, vẫn trào lộng, đó là sự tự tin của nhân cách lớn.
Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi liên tưởng thi sĩ Tản Đà ngông ngạo coi nhẹ sự bạo liệt vòng mưu sinh miếng cơm manh áo. Nuôi, dâng trào sóng yêu thương sôi nổi, để sống vì thơ, sống đầy chất thơ. Những bức ảnh đen trắng xưa, hầu như ai cũng gầy, có nét khắc khổ. Con người thời chiến tranh bao cấp, nghèo vật chất mà coi trọng nghệ thuật, nhu cầu tinh thần làm nên thời hoàng kim của văn, thơ, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc.
"Người lạc thời" Hoàng Nhuận Cầm vẫn sống vì thơ, vì phim đến phút cuối đời. Bản thảo tập thơ cá nhân đã chọn. Kịch bản về đại thi hào Nguyễn Du đã xong. Anh còn chuẩn bị viết kịch bản về Nguyễn Bính, thi sĩ chân quê.
"Người lạc thời" trong xã hội giảm sút, đảo lộn nhiều thang bậc giá trị, vẫn giữ nếp nói năng của người Hà Nội cũ. Chú Cầm thường: "Thế ạ!”, “Vâng ạ"... đầy khiêm cung khi nói chuyện với tôi hay người kém tuổi hơn. Chú biết mình tài, mà giản dị, khiêm nhường. Có cả triệu người mến tài Hoàng Nhuận Cầm, từ lúc học trò, thanh niên. Có hàng triệu tín đồ chép, thuộc, nhớ thơ Hoàng Nhuận Cầm kiểu cha mẹ truyền con nối. Tức là thời sinh viên cha mẹ thích thơ Cầm, đời con cũng thích. Điều đó chứng tỏ sức sống và độ hay của thơ anh không lạc hậu, với mọi thời.
Mẹ tôi thích thơ Hoàng Nhuận Cầm từ lúc đi học ở Thái Nguyên. Bố tôi cũng làm thơ. Một trong các lý do cốt yếu mà bố mẹ yêu nhau là thơ. Tới khi bố mẹ tôi cũng làm việc tại Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương, thì lại cùng cơ quan với cô Phan Thanh Tú - biên kịch, người vợ đầu của chú Cầm. Họ có một con gái chung và sớm chia tay.
Năm 1994, bố tôi chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam, còn mẹ tôi vẫn làm ở đó đến lúc nghỉ hưu. Bố tôi thuận trong công việc thỉnh thoảng gặp Chú Cầm, vì có một chặng chú làm tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam - VFC. Mẹ tôi vài chuyến cất công mang thuốc lào trồng tại ruộng nhà anh trai ở Tiên Lãng (đã sấy, thái thành phẩm) để bố tôi đem tặng chú Cầm.
Một người đàn ông không giàu, không cao to trắng đẹp, mà lại toàn lấy được vợ trẻ, đẹp hơn, thì vì lẽ gì? Duy nhất vì tài thơ, vì tên tuổi. Vợ sau trẻ hơn vợ trước và họ đều là fan của Hoàng Nhuận Cầm từ lúc học cấp 3 tới lúc sinh viên đại học. Cô Thanh Tú (1956), đẹp hơi "Tây" là đồng môn khóa sau. Chị Điệp Vân (1972) quê Quảng Ninh, được Chú Cầm đưa vào đóng phim, lập Hãng phim mang tên vợ, biển hãng phim vẫn treo trước căn hộ sơ sài không ti vi. Điệp Vân là người vợ chung sống lâu năm nhất với Hoàng Nhuận Cầm, sinh hai con trai Hoàng Nhật Thành (vừa tốt nghiệp đại học đi làm và Hoàng Nhật Lễ). Họ đã có gần 20 năm gắn bó tại căn nhà chật chội ấy.
Theo nhà thơ Đỗ Anh Vũ, họ ly hôn 4 năm nay, Điệp Vân đã có hôn nhân khác, sinh con 2 tuổi, sống ở Tây Hồ. Vũ là tiến sĩ Ngôn ngữ học, chuyển từ Viện ngôn ngữ về Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 9/2019. Nhà Vũ ở Nguyễn Khoái cách nhà Hoàng Nhuận Cầm một ngã tư nên hay ghé qua.
Cầm thi nhân yêu cuộc sống lắm, mới viết được bình thản thế này: "Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi". Đọc lại bài Một mai, giật mình khi anh tiên tri về cái chết. Không ngờ, người của đám đông đã ra đi trong đơn độc sau những bữa ăn qua quýt, lủi thủi, sơ sài:
Vừa làm xong bài thơ/ Chả có ai để đọc/Tôi vượt qua màn mưa/ Đúng như một thằng ngốc/ Cuối cùng tôi ngồi khóc/ Trong quán bia bên đường/ Cô bán hàng thấy thương/ Rót cho cốc trà nóng/ Bàn tay tôi lạnh cóng/ Trái tim thì buốt tê/ Ngoài trời mưa như trút/ Chẳng biết đi hay về/ Bỗng vang lên tiếng xe/ Người tôi chờ đã tới /Hơn cả niềm mong đợi/ Hơn cả nỗi hẹn hò/ Đêm nay trong giấc mơ/ Gặp lại cơn mưa ấy/ Lấy tay sờ lên môi/ Thấy hai hàng lệ chảy..." (Viết cho người tri kỷ).
Hoàng Nhuận Cầm thường cộng tác với các báo chí bằng thơ. Những bài thơ đầy sức sống của một thương hiệu bền sáng. Đâu chỉ thơ tình cho lứa đôi, mà thơ của người khát sống, ăm ắp tin yêu, dù vì yêu mà đau khổ, không ngớt lạc quan và hy vọng. Sợ hãi tổn thương thất vọng, vẫn tin ở hòa bình, lương thiện, ở tình người, bởi: "Bồ câu không chết trẻ bao giờ", dẫu những người đàn bà lần lượt rời bỏ anh: "Em hay là cơn bão tự ngàn xa/ Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào, nếu chán, gió lại ra".
Hoàng Nhuận Cầm, chàng trai Hà Nội xung phong vào chiến trường khi 19 tuổi, xông pha lửa đạn chiến trường ác liệt và được nguyệt quế thơ khi mới 22 tuổi - Giải nhất Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 - 1973.
Hòa bình, anh tiếp tục học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 21. Năm 1979, anh lại lên biên giới đọc thơ cho các chiến sĩ mà anh suốt đời coi họ là đồng đội. Anh về Hãng Phim truyện Việt Nam công tác anh vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm giản dị, nhiều khi xuề xòa trong ăn, mặc, nhưng các sự kiện quan trọng anh đóng bộ complet, cravate đầy đủ. Khi đến với bộ đội, là anh mặc quân phục. Trong căn nhà đầy sách, bản thảo, người đàn ông ấy ít đầu tư quần áo, giầy mũ, đồng hồ. Bộ quần áo lính luôn nâng niu nhất.
Đi qua bom đạn tàn khốc, chiến trường, người lính Hoàng Nhuận Cầm đã trở về lành lặn. Còn đời thường và tình trường, anh đầy những vết thương.
TS Ngôn ngữ Nguyên Anh Vũ chia sẻ: "Tôi sinh năm 1980, chơi với anh Cầm từ 2009, khi anh và chị Điệp Vân còn hạnh phúc. Mẹ già của anh sống một mình ở Đầm Trấu, thỉnh thoảng cô con gái ở gần chạy qua. Tháng 7/2020, từ ý tưởng của Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trần Nhật Minh, chương trình Đôi bạn văn chương (VOV6), tôi phụ trách, phát lúc 22h30 tối thứ Tư hằng tuần trên sóng FM 96,5 Mhz, được phát lại vào thứ Tư kế tiếp.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là khách mời thường xuyên, tôi làm MC. Có lần tôi và anh cùng làm chương trình Tiếng thơ đêm giao thừa 2020. Chương trình Khách đến chơi nhà (VOV2), cũng 2 tuần/số (30 phút). Thu phát "nguội", nhiều khi phải dừng vì nhà thơ ho nhiều. Chúng tôi thu tại A14 tòa nhà 39 Bà Triệu. Lúc mới về Đài tôi tưởng không có thang máy, sau biết có thì dùng ngay. Thang máy lệch tầng, nên dù đi thang máy thì vẫn phải đi thêm một nhịp cầu thang nữa, dù lên hoặc xuống, Hoàng Nhuận Cầm cứ đi một tí là phải dừng để thở. Leo hay không leo thì cứ một đoạn là hổn hển. Phổi yếu lại tắc nghẽn mãn tính, hành anh nhiều năm. Nhưng cứ nói về thơ, dù ở góc quán, nhà hàng, hội trường, sân khấu hay phòng thu, anh đều thăng hoa tưng bừng". Bừng cháy, dồn hết hơi thở trong lá phổi tổn thương, để đọc thơ, từ thời trẻ trai tới lão niên, Cầm nào có khác.
Thi sĩ ấy, không chỉ làm mê hoặc triệu trái tim, những fan đích thực mê mải chép thơ anh từ gần 50 năm trên đến sinh viên 4.0 bây giờ, những cô cậu có tâm hồn yêu cái đẹp, vẫn hào hứng copy gửi cho nhau, anh còn góp phần động viên lớp lớp chiến sĩ lên đường chiến đấu và dâng hiến bằng những câu thơ găm vào họ một "mồi lửa" hào khí ngoan cường và anh dũng một cách tự tình nguyện vì yêu nước: "Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/ Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/ Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/ Mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi!". Anh đã chiến đấu qua cơn đau để chắt sinh lực cho thơ.
Những ngày cuối đời, Hoàng Nhuận Cầm còn trải 2 sự kiện hao tổn sức: Ngày 16/4, nói chuyện với các chiến sĩ Lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu; ngày 18/4, anh về Bắc Giang giao lưu với lớp trẻ nhân ngày hội sách. Và ngày 19/4, cuộc gặp gỡ quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh chứng tỏ "gừng càng già càng cay", khi anh được tin tưởng mời là ủy viên lớn tuổi nhất Hội đồng định Trung ương và tuyển chọn kịch bản phim truyện, nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Ảnh nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tại phòng họp Cục Điện ảnh Việt Nam chiều 19/4 là tấm ảnh cuối cùng chụp sau cuộc công bố và trao quyết định số 1335. Hội đồng có 9 thành viên do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký. Tại đây, phát biểu đầy nhiệt huyết như thường lệ, nhà biên kịch họ Hoàng khẳng định: "Máy móc công nghệ không thay đổi được con người. Chúng ta tử vì Đạo". Anh coi điện ảnh là Đạo và từng viết Phục sinh: "Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết/ Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy/ Nếu phải chết cho tôi xin được chọn/ Cái chết nào/ Lập tức/ Phục sinh ngay".
Như hiện ra, thi sĩ gầy gò dáng xiêu, đi chiếc xe Wave đỏ cũ tã, nơi căn hộ chật mà cả nhà anh từng sống, giờ đơn độc, không có bàn viết, không, ti vi, chỗ tiếp khách chỉ đủ 3 người. Thân thì ngồi luôn xuống đệm. Xã giao giữ ý thì có 2 cái ghế vội kê. Ấm chén cũ lạc đàn. Ngõ bán đầy hàng ăn, nhưng Cầm thi sĩ toàn bánh đậu xanh, lạc rang trừ bữa. Đến bức ảnh đăng facebook cuối cùng 2014 cũng lọ lạc đỏ đặt trước ký họa chân dung.
Chiều 20/4, Đỗ Anh Vũ ghé đến nhà vì không thấy Hoàng Nhuận Cầm đến Đài làm việc. Anh biết chắc ông anh đang ở nhà vì xe máy dưới sân điện thoại reo, không ra mở cửa.
Linh tính không lành, anh gọi cho chị Điệp Vân, vợ cũ nhà thơ. Chị vướng con nhỏ nên báo con trai Nhật Thành đến. Vũ cũng phải đón con (4 cậu con trai) nên về. Một lúc sau quay lại, thì Thành đã đưa cha xuống. Vũ cầm tay anh Cầm, sờ mạch không có, mũi không thở, mắt một nhằm một hờ. Vài phút sau xe cấp cứu, bác sĩ đến sơ cứu ấn tim rồi chở đi và 18h thì Vũ nhận được điện thoại của chị An Thanh báo anh Cầm mất. Người thân thống nhất giờ mất là 16h30.
Chiều nay (24/4), đồng nghiệp bạn bè, công chúng yêu thơ sẽ tiễn biệt anh. Sau tang lễ ngắn chỉ một tiếng đồng hồ, anh được hỏa táng rồi chôn cất bên mộ cha, tại Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì. Cũng đúng ngày này (24/4/2012) Mùi cỏ cháy phát hành. Bộ phim truyện nhựa do anh biên kịch, ra mắt khi anh tuổi 60, là phim chiến tranh gây xúc động lớn. Phim được chọn gửi thi giải Oscar hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Đây là phim nhựa cuối cùng của anh và là tác phẩm lớn thành công nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Nguyễn Hữu Mười. Dựa theo nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (đồng môn trường cấp 3 Yên Hòa của tôi), phim là tuổi trẻ, máu xương của Hoàng Nhuận Cầm đồng đội.
Mùi cỏ cháy chiếu khai mạc Tuần phim và được Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần 17 tại TP Tuy Hòa, Phú Yên và 4 giải Cánh diều Vàng cho phim biên kịch, quay phim, âm nhạc và được phát hành DVD bởi Hãng phim Phương Nam cùng năm.
4 chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long là tái hiện Cầm và Thạc cùng hàng nghìn sinh viên lên đường nhập ngũ 6/9/1971. Điểm nút của phim là những trận chiến ác liệt Hè 1972 kéo dài 81 ngày đêm nơi Thành cổ Quảng Trị. Cùng lên đường ra mặt trận đợt đó, còn có Vũ Đình Văn (nhà thơ, liệt sĩ), nhà báo Phùng Huy Thịnh, Đinh Thế Huynh, nhà thơ Quang Hoàn.
(Còn tiếp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.