Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ sáu, ngày 10/03/2023 10:05 AM (GMT+7)
Chính phủ Mỹ vừa công bố Chiến lược an ninh quốc gia trong không gian mạng. Đó là chiến lược quốc gia đầu tiên về an ninh trong không gian mạng của nước Mỹ chứ không phải chỉ của riêng chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Không gian mạng hay thế giới ảo đã trở thành bộ phận không thể thiếu được nữa của thế giới hiện đại của con người trên trái đất. Nó mở ra và đưa lại nhiều cơ hội to lớn cho thế giới loài người phát triển thịnh vượng nhưng những mặt trái của nó cũng có thể gây nguy hại ghê gớm cho con người và xã hội, cho quốc gia và thế giới. An ninh trong không gian mạng hay an ninh mạng như vẫn thường được gọi tắt trở thành vấn đề cấp thiết của quốc gia và thế giới.
Chiến lược mà chính phủ Mỹ vừa đưa ra càng được bên ngoài để ý đến vì việc sử dụng thế giới ảo đang đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Giữa Nga ở một bên và Mỹ, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), NATO cùng đồng minh của họ ở một phe đang diễn ra cuộc chiến tranh thực thụ trong không gian mạng.
Mỹ, Canada, Nghị viện châu Âu và không ít thành viên EU đã cấm sử dụng một số thiết bị kỹ thuật công nghệ số và ứng dụng của Trung Quốc trong không gian mạng với lý do quan ngại về an ninh.
Chính phủ Canada còn tiến hành điều tra thông tin cho rằng Trung Quốc đã tìm cách thông qua mạng can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất ở Canada.
Cảm nhận không thể gạt bỏ được ở đây là chiến lược quốc gia của Mỹ về an ninh trong không gian mạng - và tới đây chắc sẽ còn của cả các nước Phương Tây khác - đều phục vụ cả mục tiêu đối phó Trung Quốc.
Dù có thế nào đi chăng nữa thì văn kiện chiến lược mới nói trên của Mỹ cũng vẫn rất đáng được chú ý đến và thậm chí còn có thể là cơ sở tham khảo rất hữu ích cho những chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khi soạn thảo và ban hành chiến lược riêng của họ.
Với chiến lược này, Mỹ nhằm đồng thời cả mục tiêu tận dụng không gian mạng để phục vụ những lợi ích chiến lược khác nữa chứ không chỉ có nhằm đảm bảo an ninh mạng cho nước Mỹ. Đảm bảo an ninh trong không gian mạng để đảm bảo lợi ích quốc gia và tận dụng không gian mạng để đem lại thịnh vượng cho quốc gia cũng phục vụ cho lợi ích quốc gia.
Lối tư duy ở đây là có an ninh mạng thì mới có thể tận lợi được từ không gian mạng và đồng thời tận lợi triệt để từ không gian mạng cũng phải phục vụ cho cả mục tiêu đảm bảo an ninh mạng cho nước Mỹ.
Sự tương tác và chi phối lẫn nhau giữa hai mục tiêu này là điểm xuất phát của ba tiêu chí được Mỹ xác định cho chiến lược nói trên: Phải đảm bảo được an ninh trong không gian mạng, phải tạo nên được khả năng đề kháng cao nhất và bền vững nhất trong không gian mạng và phải tạo ra được giá trị gia tăng trong không gian mạng.
Chiến lược của Mỹ còn thiếu những biện pháp, bước đi và lộ trình thời gian cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Cũng có thể nói rằng vì thế mà chiến lược này chưa thật sự hoàn chỉnh và câu hỏi về tính khả thi của nó vẫn còn bị để ngỏ.
Thay vào đó, cách tiếp cận của Mỹ trong chiến lược lại rất cụ thể. Muốn đảm bảo an ninh mạng thì phải bảo về cơ sở hạ tầng số vốn là xương sống của không gian mạng. Muốn tận lợi từ không gian mạng thì phải đầu tư vào việc gây dựng và phát triển không gian mạng thành thị trường, phát triển công nghệ đảm bảo an ninh mạng thành một hoặc nhiều ngành công nghiệp có tiềm lực tăng trưởng năng động.
Và không thể không hợp tác quốc tế với các đối tác bên ngoài. Không có nơi nào trên thế giới có thể đảm bảo hiệu quả an ninh mạng cho mình mà không phải dựa cậy cả vào đối tác bên ngoài. Chiến lược quốc gia về an ninh trong không gian mạng này mới chỉ là sự khởi đầu đối với nước Mỹ và chắc chắn sẽ được tiếp tục phát triển, mở rộng và hoàn thiện trong thời gian tới. Để chinh phục thế giới ảo, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chứ không chỉ có Mỹ phải hành động thật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.