Trong khi miền Tây muốn ngả theo phương Tây thì miền Đông lại không muốn hùa theo NATO. Họ không chấp nhận chính quyền tại Kiev và nhiều người đứng dậy đòi quyền tự quyết nhiều hơn cho miền Đông.
Súng đã nổ và máu đã chảy trong suốt nửa năm qua. Người chết cũng nhiều và người bỏ đi cũng lắm. Đáng buồn nhất là nhiều thiếu nữ tại miền Đông Ukraine đã chấp nhận cảnh phải trôi theo dòng đời, làm gái điếm để thoát khỏi lò lửa chiến tranh.
Không đi thì chết
Trang Kyiv Post cho biết hồi tháng 8 vừa qua, một tay “tú ông” người Belarus đã bị tóm tại biên giới khi dắt theo hai cô gái người Ukraine trốn ra nước ngoài. Trước cơ quan điều tra, y khai dẫn hai người em bên đằng vợ sang Belarus lánh nạn nhưng qua các biện pháp đấu tranh điều tra của cảnh sát Belarus thì tên này phải khai thật. Y không hề có vợ con gì hết và đương nhiên không thể có hai người em vợ tại Ukraine. Thậm chí, ngay cả họ hàng của y cũng không có ai ở Ukraine cả.
2 cô gái Ukraine bị cảnh sát Belarus điều tra.
Còn hai cô gái đi cùng y thì cũng không phải là họ hàng chị em gì mà chỉ là những cô gái được y tuyển được trong những ngày qua tại Ukraine. Nếu kế hoạch trót lọt, y sẽ đưa hai cô gái này đến một địa điểm tập kết gái tại Belarus sau đó sẽ điều cho các đường dây buôn gái mại dâm sang Tây Âu hay thậm chí là các nhà thổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Yulia và Natasha là hai cô gái may mắn được cảnh sát giải cứu trước khi bị "Mã Giám Sinh" người Belarus đưa vào lầu xanh tổ quỷ. Thông thường, khi các nạn nhân trong hoàn cảnh được cứu giúp đó thường van nài được đưa về đoàn tụ sớm với gia đình thì hai cô gái này lại khác. Họ nằng nặc xin được tị nạn ở lại Belarus và không ai trong số họ có ý định hồi hương. Thậm chí, họ còn than thở rằng nếu bị đưa trở lại về thì chỉ có hai sự lựa chọn- một là cái chết và hai là tiếp tục tìm đường ra ngoài, kể cả là đi làm gái.
Yulia, 22 tuổi đến từ Luhansk, nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt nhất cho biết tình hình tại miền Đông Ukraine lúc này giống như địa ngục khi mọi người phải sống trong lo lắng sợ hãi. Yulia kể rằng tại vùng Lutuhynsky, đã có hàng chục cô gái nhắm mắt đưa chân theo các “tú ông” để thoát khỏi địa ngục chiến tranh. Với họ, thà làm gái còn hơn là chờ chết.
Yulia cho biết cô vốn là một thợ làm đầu và trước khi chiến tranh thì thu nhập khá ổn định vì phụ nữ miền Đông Ukraine vốn đã xinh lại hay làm đẹp nên tiệm của cô khá đắt khách. Một mình tiệm của cô có thể đảm bảo thu nhập để nuôi cả gia đình và hai em trai ăn học. Thế nhưng điều tồi tệ nhất đã đến khi chiến tranh nổ ra. Bom đạn không biết từ phe nào đã làm đổ sập luôn cả tiệm làm đầu của Yulia. Toàn bộ trang thiết bị đắt giá của Yulia đã trở thành một đống tro tàn, và điều đáng buồn đó là những vật dụng đắt tiền mà cô mới nhập từ Ý về hồi cuối năm ngoái. Thật ra dù có dựng tạm tiệm lên thì cũng chẳng làm ăn được gì vì thời chiến thì ai rảnh rang đâu mà đi làm đầu với làm đẹp. Từ chỗ bát ăn, bát để, Yulia lại rơi vào cảnh phá sản. Hàng ngày, Yulia phải đi xếp hàng để nhận khẩu phần bánh mì ít ỏi mà đoàn cứu tế dành cho dân bị nạn. Còn mua thực phẩm ở chợ đen thì giá rất cao và phải mua bằng vàng hay ngoại tệ. Ban đầu, mọi người nghĩ cảnh này chỉ kéo dài vài tuần thì các bên sẽ đàm phán để có giải pháp hòa bình cho dân chúng đỡ khổ. Nhưng tình trạng bế tắc đã kéo dài suốt từ tháng 5 đến giờ mà vẫn chưa có lối thoát.
Từng đồng tiền tích lũy đã phải ra khỏi két, những đồ trang sức cuối cùng cũng được bán đi để mua nhu yếu phẩm. Tình trạng túng quẫn đã khiến Yulia gật đầu khi gã "Mã Giám Sinh" người Belarus xuất hiện và hứa tìm cho cô một việc làm ngon lành tại Đức và ứng trước "tiền lương" 2 tháng cho gia đình khoảng 1.000 euro. Yulia hy vọng khi sang Đức sẽ làm việc và tiết kiệm tiền để gửi vào gia đình. Khi nghe Cảnh sát Belarus nói cô đã bị rơi vào một đường dây buôn người thì Yulia chỉ hơi sốc và cho biết "nhưng dù sao vẫn còn tốt hơn là chờ chết đói nếu ở lại". Điều duy nhất mà Yulia lo lắng hiện giờ là người thân vẫn còn mắc kẹt tại vùng chiến sự và cô không biết làm cách nào để giúp họ lúc này vì chính bản thân Yulia cũng không biết mình sẽ phải đi đâu.
Nỗi sợ mùa đông
Natasha lại là trường hợp khác. Natasha cho biết cô ở cách nhà Yulia khoảng 1,5km. Trước khi chiến tranh, Natasha là một gái làm ở quán bar. Khi còn làm việc, Natasha được uống bia rượu thỏa thuê và lúc nào túi cũng chật cứng tiền bo của khách. Những đồng tiền kiếm được Natasha mặc sức tiêu phung phí mà không ngờ đến khi túng bấn sau này.
Chiến tranh xảy ra, quán bar đóng cửa mà có mở cửa thì cũng chẳng ma nào mò đến vì mọi người mải đi chạy loạn. Natasha kể về cuộc sống sau khi tiếng súng nổ với giọng ngao ngán. "Hàng ngày và hàng đêm, tôi phải sống trong căn phòng chật chội với tiếng ho của mẹ tôi. Thật đáng buồn là khi còn kiếm được, tôi hầu như chẳng đưa bà đồng nào còn khi chiến sự, tôi lại nằm dài ở nhà và ăn bám vào những đồng mà mẹ tôi tích cóp từ lương hưu trước đây. Mỗi buổi sáng, mẹ tôi đi xếp hàng lấy bánh mì về cho hai người ăn. Ban đầu tôi còn giam mình trong phòng để xem TV nhưng về sau TV cũng không xem được vì đường cáp bị hỏng. Tôi gọi điện cho người đến sửa nhưng điện thoại cũng bị cắt nốt còn điện thoại di động không hoạt động do trạm phát sóng bị phá".
Tôi giết thời gian bằng việc bật đi bật lại các đĩa CD để nghe nhạc cho đỡ nhớ không khí ở quán bar nhưng sau thì đó thì việc này cũng không thực hiện được vì điện bị cúp thường xuyên. Cuối cùng, đến nước cũng bị cúp và tôi phải lần đầu trong đời đi xếp hàng lấy nước trong lúc mẹ tôi xếp hàng chờ bánh mì". Sau đó, mẹ của Natasha cũng gặp bi kịch khi trúng pháo từ bên ngoài thành phố. Những người dân quân địa phương bảo đó là do quân chính phủ bắn vào và họ giúp chôn cất bà mẹ sơ sài trong nghĩa trang thành phố. Ngày tang lễ cũng chẳng có ai đến dự vì mọi người phải bận đi xếp hàng nhận lương thực cứu tế. Natasha cho rằng: "Nếu mẹ tôi không trúng đạn thì có lẽ bà cũng khó qua nổi mùa đông này. Mùa đông tại đây rất lạnh, nhiều khi xuống cả chục độ âm nhưng trong điều kiện điện và khí đốt bị cắt như hiện giờ thì chúng tôi sẽ chết cóng trong mùa đông mất”.
Natasha đã hỏi những người lính của phe chống chính phủ rằng tình trạng "bị cắt mọi thứ" bao giờ sẽ kết thúc thì được trả lời: "Khi nào quân chính phủ Kiev thôi phong tỏa thì mọi thứ may ra mới trở về bình thường" và chính họ cũng không biết bao giờ quân chính phủ rút lui.
Khi thấy tình hình bế tắc trong lúc bản thân không vướng víu gì nên khi gã "Mã Giám Sinh" người Belarus đến tuyển gái sang Đức làm việc là Natasha nhận lời đi ngay. Natasha cũng lường trước việc có thể rơi vào các động gái tại Tây Âu nhưng cô cho rằng: "Dù sao như vậy cũng được uống rượu bia hơn là chờ mùa đông lạnh giá nếu ở lại".
Cảnh sát Belarus cho biết họ đã tóm hàng chục vụ na ná như vậy trong hai tháng qua. Nhiều nạn nhân thừa biết họ đang bị rơi vào đường dây buôn người nhưng vẫn chấp nhận ra đi để trốn ngọn lửa chiến tranh. Cảnh sát Belarus không có cách nào khác là việc đưa họ hồi hương nhưng không thể trả ngược về biên giới theo đường cũ mà đưa họ đến Kiev, nơi dù sao vẫn không bị chiến tranh đe dọa. Nhưng chỉ có vài chục cô gái may mắn được cứu đến Kiev và có lẽ hàng trăm, hàng ngàn cô gái xinh đẹp miền đông Ukraine phải chấp nhận bán thân ở Tây Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ để cứu lấy mình và gia đình. Họ éo le cũng chẳng kém nàng Kiều thời phong kiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.