Chiến sự Nga-Ukraine: Ai sẵn lòng 'nướng' tiền vào 'kế hoạch Marshall' để tái thiết Ukraine?
Chiến sự Nga-Ukraine: Ai sẵn lòng 'nướng' tiền vào 'kế hoạch Marshall' để tái thiết Ukraine?
Phương Đăng (theo News Week)
Thứ sáu, ngày 06/05/2022 07:11 AM (GMT+7)
Nhiều người đang lên tiếng kêu gọi ủng hộ một "Kế hoạch Marshall cho Ukraine" để tái thiết nước này sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Nhưng một câu hỏi khó chịu đang chiếm giữ tâm trí của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và chính người dân Ukraine là: Ai sẽ sẵn lòng tài trợ cho kế hoạch tái thiết này?
Vào cuối tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng, đất nước của ông sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính lên tới 7 tỷ USD mỗi tháng khi nước ông đang phải gồng mình chống lại các lực lượng Nga.
Con số này không bao gồm số tiền cực kỳ khổng lồ (có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD) mà Ukraine sẽ cần để tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiều nhà bình luận, bao gồm cả các nhà tài phiệt giàu nhất Ukraine đang kêu gọi ủng hộ một "Kế hoạch Marshall cho Ukraine". Họ lưu ý rằng, đây là cách duy nhất để Ukraine có thể phục hồi.
Mặc dù đánh giá này là đúng - khi nhiều thành phố ở Ukraine đã bị san phẳng, nhiều nhà máy hoàn toàn bị phá hủy và hàng triệu người phải bỏ chạy vì mất sinh kế - nó cũng tự nhiên đặt ra một câu hỏi khó chịu hiện chiếm giữ tâm trí của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và chính người dân Ukraine, đó là: Ai sẽ đổ tiền vào kế hoạch tái thiết này?
Theo News Week, nền kinh tế Ukraine vốn đã "èo uột" - nói một cách nhẹ nhàng - trước khi Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" vào nước này hồi tháng Hai. GDP bình quân đầu người trước xung đột của Ukraine vào cuối năm 2020 thậm chí còn thấp hơn 20% so với thời điểm trước khi nước này độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991.
Đồng tiền Ukraine trước chiến tranh bị nhà kinh tế học Adam Tooze mô tả là "một khu vực mong manh của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)".
Tỷ lệ thất nghiệp ở Ukraine rơi vào mức cao, khoảng 10,6% cuối năm ngoái, thậm chí nhiều người trẻ tuổi theo chủ nghĩa siêu quốc gia tuyên bố rằng, họ sẽ di cư ra nước ngoài vì ở đó sẽ dễ dàng tìm được việc làm hơn ở trong nước.
Anders Åslund, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và là người ủng hộ Ukraine đã tuyên bố vào đầu năm ngoái rằng, mặc dù nền kinh tế Ukraine có vẻ ổn định, nhưng "ít người dám đầu tư vào nước này".
Nếu không có các biện pháp cải cách tư pháp hoặc thu hút đầu tư, có rất ít lý do để mong đợi bất kỳ sự phục hồi hoặc tăng trưởng kinh tế nào sẽ diễn ra ở Ukraine hậu xung đột với Nga, theo ông Åslund nhấn mạnh.
Chiến tranh rõ ràng đã khiến toàn bộ tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều - Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng GDP của Ukraine sẽ giảm khoảng 45% trong năm nay.
Một bản thiết kế tái thiết sớm đã được Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế ở Anh đưa ra, ước tính ban đầu về thiệt hại của Ukraine trong cuộc chiến rơi vào khoảng từ "200 tỷ euro đến 500 tỷ euro" (211 tỷ USD đến 527 tỷ USD), trong đó, con số thiệt hại dự kiến sẽ tăng lên với mỗi ngày chiến tranh kéo dài (và với tốc độ ngày càng dữ dội). Nếu chiến tranh kéo dài đến mùa hè, con số thiệt hại có thể lên tới một nghìn tỷ USD.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mọi người nói về sự cần thiết của một "Kế hoạch Marshall cho Ukraine". Tuy nhiên, thật không may cho những người ủng hộ kế hoạch này, có hai vấn đề lớn xuất hiện.
Thứ nhất là Ukraine năm 2022 không giống như Tây Âu sau Thế chiến II từ năm 1948 đến năm 1951. Đúng vậy, Kế hoạch Marshall đã giúp Tây Âu tái thiết. Nhưng sự phục hồi kinh tế của Tây Âu trên thực tế đã diễn ra vào thời điểm đó.
Kế hoạch Marshall, trích lời nhà sử học Harvard Charles Maier thực chất "giống như chất bôi trơn trong động cơ - chứ không phải nhiên liệu - giúp một cỗ máy vận hành trơn tru" không gặp nhiều vướng mắc và ràng buộc.
Hơn nữa, các chuyên gia nói rằng, khoản chi này phục vụ mục đích chính trị là chủ yếu.
Ngay cả khi cuộc chiến của Ukraine kết thúc vào ngày mai, đất nước này không chỉ mất nhiều thời gian hơn để xây dựng lại mà các điều kiện cơ bản cản trở các nguồn đầu tư vẫn chưa được giải quyết.
Các nhà tài phiệt Ukraine được cho là bây giờ có thể thể hiện sự đoàn kết nhưng đó là vì lợi ích của họ. Sau chiến tranh - đến lúc phải cạnh tranh lại quyền lực chính trị, tiền viện trợ quốc tế và các nguồn lực khác thì sẽ ra sao?
Theo News Week, bộ máy quan liêu của Ukraine gây ra tình trạng tham nhũng một cách hệ thống vẫn chưa được giải quyết.
Những nỗ lực trước cuộc chiến để chống tham nhũng, cải cách bộ máy chính phủ ở Ukraine được đánh giá là không đạt yêu cầu.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách lẫn các nhà đầu tư phương Tây có lý do để lo lắng rằng bất kỳ khoản tiền nào chuyển đến Ukraine đều có thể bị lãng phí, bị sử dụng sai mục đích hoặc đơn giản là bị ăn chặn.
Trước khi có thể nhận được bất kỳ khoản đầu tư hoặc hỗ trợ tài chính quốc tế đáng kể nào, Kiev sẽ phải nhanh chóng thực hiện một số biện pháp cải cách táo bạo — và ngay cả khi họ quyết tâm cải cách, thì cũng không đảm bảo họ sẽ thành công hoặc đạt được thành tựu đáng kể.
Vấn đề thứ 2 thậm chí còn đơn giản hơn: Tiền cho Kế hoạch Marshall cho Ukraine sẽ lấy từ đâu? Nước nào sẵn sàng tài trợ?
Nước Mỹ vào năm 1945 vô cùng giàu có. Cường quốc số 1 thế giới không chỉ nắm giữ một nửa dự trữ vàng và tiền tệ của thế giới, mà còn sản xuất hơn một nửa số hàng hóa trên thế giới và hưởng thặng dư nông nghiệp khổng lồ.
Nước Mỹ ngày nay vẫn giàu có, nhưng tình hình kém tươi sáng hơn nhiều. Lạm phát đang tăng mạnh, giá năng lượng và giá của mọi thứ khác cũng không ngừng gia tăng; các ngân hàng lớn ở Mỹ đã cảnh báo rằng một "cuộc suy thoái lớn" đang đến gần.
Người Mỹ do đó giờ đây ít có xu hướng hào phóng hơn khi họ cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn như vậy, đặc biệt là sau 2 thập kỷ chi tiêu lãng phí cho các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Chính quyền Biden và các thành viên của Quốc hội hiện nay vẫn có vẻ hào phóng với Ukraine, nhưng điều đó có thể thay đổi trước thềm bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 ở Mỹ và một chiến dịch tái cử kéo dài tới năm 2024.
Liên minh châu Âu (EU) đang ở một vị trí thậm chí còn khó để có khả năng tài trợ cho Ukraine hơn Mỹ.
Châu Âu không chỉ đang gặp những vấn đề tương tự như Mỹ (thậm chí, tồi tệ hơn ở một số khía cạnh), mà họ còn phải tính đến thực tế về ngân sách. Ví dụ, Đức không thể đồng thời chống lại cuộc suy thoái sắp tới cũng như cam kết tăng chi tiêu quân sự thêm 100 tỷ euro, cắt bỏ khí đốt giá rẻ của Nga rồi lại cộng thêm khoản viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine.
Đến một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ngồi xuống, xem xét ngân sách, thừa nhận rằng họ không đủ khả năng chi trả mọi thứ đồng thời lặng lẽ nhận ra rằng người Ukraine không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu, theo News Week.
Vậy ai sẽ sẵn sàng "nướng" tiền vào Kế hoạch Marshall cho Ukraine? Hiện nay, câu trả lời trên danh nghĩa là "phương Tây": Mỹ, EU, Ngân hàng Thế giới ... Nhưng ngày mai, ngày kia, thời gian tới thì sao? Đó là câu hỏi khó chịu đang lơ lửng trên đầu mỗi nhà hoạch định chính sách lúc này, theo News Week.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.