Chiến sự Nga-Ukraine: NATO đã vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Putin
Chiến sự Nga-Ukraine: NATO đã vượt qua 'lằn ranh đỏ' của TT Putin, vì sao Điện Kremlin vẫn kiềm chế phản ứng?
Phương Đăng (theo News Week)
Thứ năm, ngày 05/05/2022 14:01 PM (GMT+7)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo NATO không can thiệp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng theo nhiều chuyên gia, NATO trên thực tế đã vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Putin cảnh báo sẽ dẫn đến một cuộc tấn công từ các lực lượng Nga, theo Newsweek.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cho biết trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp rằng, bất kỳ quốc gia nào "tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga" ở Ukraine đều có thể gánh chịu "đòn trả đũa" sẽ diễn ra "nhanh như chớp".
Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Putin cũng đã đưa ra những cảnh báo công khai. Chẳng hạn, tháng 11/2021, ông tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ đáp trả nếu NATO vượt qua "lằn ranh đỏ" bằng cách cung cấp cho Ukraine một số hệ thống tấn công tên lửa nhất định.
Các quan chức nổi tiếng khác của Nga cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo tương tự. Ngày 13/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng thông tấn Tass rằng Nga sẽ coi các phương tiện vận chuyển vũ khí của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Ukraine là "mục tiêu quân sự hợp pháp". Ông tuyên bố: "Về cơ bản, NATO sẽ gây chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và trang bị vũ khí cho bên ủy nhiệm đó. Chiến tranh có nghĩa là chiến tranh".
Khi tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Putin chỉ ra rằng bất kỳ sự "can thiệp" nào của các cường quốc bên ngoài vào xung đột ở Ukraine sẽ là "lằn ranh đỏ".
Theo như những tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga và các quan chức Điện Kremlin về "lằn ranh đỏ", các nhà phân tích bình luận rằng, NATO đã vượt qua "lằn ranh" đó hàng ngày.
Và không chỉ liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine - Yuri Zhukov, Phó Giáo sư tại Đại học Michigan phát biểu trên Newsweek.
"Chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện chiến thuật, các tình nguyện viên nước ngoài, viện trợ nhân đạo, các biện pháp trừng phạt... đều có thể bị Moscow coi là sự can thiệp. Điều khó hiểu là họ (người Nga) chưa phản ứng mạnh mẽ hơn, vì cơ sở chính trị cho sự leo thang như vậy đã được (Moscow) đặt ra từ lâu.", ông Zhukov nói.
Ông Zhukov nói rằng động thái đáp trả của Nga cho đến nay đối với các khoản viện trợ khổng lồ mà phương Tây dành cho Ukraine chủ yếu là các động thái kinh tế, chẳng hạn như cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu Moscow nhận thấy, các thành viên NATO cho rằng, những lời đe dọa từ Nga "chỉ là sáo rỗng", thì Tổng thống Putin "có thể cảm thấy cần phải tiến hành một cuộc tấn công hạn chế". Chẳng hạn, theo ông Zhukov, Nga có thể nhằm vào các trung tâm huấn luyện hoặc hậu cần của NATO ở Ba Lan hay các nơi khác. Một động thái như vậy rõ ràng sẽ cực kỳ rủi ro, có nguy cơ tạo ra một vòng xoáy leo thang xung đột.
Michael Kimmage, một giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo cho biết ông cảm thấy Nga sẽ không tấn công trực tiếp một thành viên NATO vào thời điểm này. Nhưng có khả năng Nga sẽ bắt đầu ném bom các luồng vũ khí phương Tây chuyển vào lãnh thổ Ukraine vì "những vũ khí này có thể lật ngược tình thế chiến tranh".
"Tôi đoán là họ (Nga) cố gắng thiết lập một lằn ranh đỏ ở đây mà không biết phải làm như thế nào", ông Kimmage bình luận.
Theo William Reno, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northwestern thì Nga chùn tay là vì nếu họ đe dọa tấn công một thành viên NATO, các quy định tại Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) yêu cầu các thành viên coi đây là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả và họ cân nhắc cách đáp trả.
Ông Reno cảnh báo, một trong hai bên có thể tính toán sai lầm, với kết quả rất thảm khốc.
Thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc đến những tuyên bố đe dọa trả đũa từ các quan chức Nga, đồng thời cho rằng, những lời hùng biện như vậy là dấu hiệu của "sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy về sự thất bại của họ.
Ngày hôm sau, ông John Kirby, thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng, những lời đe dọa này của Nga đang được xem xét nghiêm túc và cảnh báo Điện Kremlin nên kiềm chế các "cuộc tấn công bằng thanh gươm hạt nhân".
Một kịch bản khác liên quan đến nguy cơ Nga-NATO xung đột trực tiếp, theo ông Laurence Reardon, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire, có một câu hỏi vẫn luôn thường trực là trong trường hợp xảy ra tấn công "nhầm", chẳng hạn như tên lửa Nga "đi lạc", liệu điều đó có thể kích hoạt phản ứng của NATO hay không?.
"Về mặt lý thuyết, NATO sẽ giữ liên lạc mở với quân đội Nga để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, vẫn chưa rõ liệu những đường dây liên lạc này có được mở hay không", ông Reardon nói thêm.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu đưa ra bình luận về vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.