Chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/3: Nga chỉ cách Kiev 15- 20km, NATO bàn cách đối phó nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân

V.N (Theo CNN, AP, SCMP) Thứ năm, ngày 24/03/2022 11:54 AM (GMT+7)
Chiến sự vẫn tiếp diễn ở Kiev khi quân Nga còn cách trung tâm thủ đô gần nhất là 15 - 20km về phía đông. Các nước phương Tây họp hôm nay để bàn cách đối phó với Nga, trong đó có thể thay đổi quan điểm về chiến sự nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bình luận 0

Giành giật Kiev

Tại Kiev, súng vẫn nổ đêm qua ở khu vực phía tây bắc thành phố.  Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm qua 23/3 nói với các phóng viên rằng lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các lực lượng Nga trên chiến tuyến phía đông Kiev.

Các lực lượng Nga cách trung tâm thành phố Kiev khoảng 55 km về phía đông, tiến thêm được 25 đến 35 km so với cùng vị trí ngày hôm qua, quan chức này cho biết.

Chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/3: Nga chỉ cách Kiev 15- 20km, NATO bàn cách đối phó nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Tên lửa bắn ở Kiev đêm 23/3.

Về phía tây bắc của trung tâm thành phố Kiev , các lực lượng Nga đang "đào sâu vào và họ đang thiết lập các vị trí phòng thủ" nhưng chưa đến gần hơn được trung tâm thủ đô. Họ vẫn cách trung tâm thành phố Kiev từ 15-20 km về phía tây bắc.

Izyum, một thành phố phía đông Ukraine cách Kharkov khoảng 116 km về phía đông nam, đã bị cắt gần như toàn bộ liên lạc kể từ khi các trận chiến dữ dội giữa các lực lượng Nga và Ukraine nổ ra ở đó vào tuần trước.

Những video và hình ảnh đầu tiên đã xuất hiện từ thành phố Izyum hôm qua cho thấy sự tàn phá trên diện rộng, các tòa nhà bị cháy và bị đánh bom

Nga tăng cường lực lượng ở phía đông Ukraine

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với CNN hôm 22/3 rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đang chiến đấu để đánh bật quân đội Nga ra khỏi thị trấn  Izyum sau khi quân Nga từ khu vực Donbass, miền đông Ukraine di chuyển tới đây. 

Chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/3: Nga chỉ cách Kiev 15- 20km, NATO bàn cách đối phó nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân - Ảnh 2.

Bản đổ chiến sự ngày 23/3. Ảnh: Al-Jazeera. Thực hiện: Hữu Anh.

Quan chức này cho biết, lực lượng Nga đã hoạt động mạnh hơn ở vùng Donbass. Theo ông, Nga dã tăng cường thêm lực lượng tới khu vực phía đông ở các nước công hoà ly khai Donetsk và Lugansk, có lẽ nhằm ngăn chặn binh lính Ukraine di chuyển về phía tây để bảo vệ các thành phố khác. 

Mỹ cũng quan sát thấy hoạt động từ các tàu Nga trên Biển Azov được tăng cường. Dường như Nga đang cố gắng đưa tàu đổ bộ đến mang theo đồ tiếp tế, bao gồm cả xe thiết giáp. 

Không nước nào bỏ phiếu chống nghị quyết của Nga tại HĐBA

Dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất về tình hình nhân đạo Ukraine không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đêm qua. Hai quốc gia đã bỏ phiếu thuận là Nga và Trung Quốc, tuy nhiên không có quốc gia nào bỏ phiếu chống và 13 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, bỏ phiếu trắng.  Cần phải có 9  phiếu ủng hộ  để nghị quyết được thông qua.  

Nghị quyết thừa nhận nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng của Ukraine - nhưng không đề cập đến chiến dịch quân sự của Nga dẫn tới cuộc khủng hoảng leo thang khiến hàng triệu người Ukraine đang rất cần thực phẩm, nước uống và nơi ở.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phát biểu trước bỏ phiếu nói rằng nghị quyết này “không bị chính trị hoá”, chỉ giống như các nghị quyết khác về nhân đạo của HĐBA. Ông gọi dự thảo của Nga là một bước đi thiết thực quan trọng.cho các nỗ lực nhân đạo. 

Trong khi đó Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, cáo buộc Nga một lần nữa đang cố gắng sử dụng HĐBA để “che đậy cho các hành động hung hăng của mình”.

Phương Tây có thể thay đổi quan điểm về tham chiến ở Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Brussels để tham dự một loạt các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Hôm nay ông  bắt đầu các cuộc thảo luận sâu với NATO, G7 và Liên minh châu Âu về Ukraine.

Các cuộc họp sẽ dành để thảo luận về cách liên minh sẽ phản ứng nếu Vladimir Putin sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine. Nhiều quan chức giấu tên nói rằng mặc dù lập trường chính thức của NATO không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến này vẫn sẽ được duy trì, nhưng vũ khí hóa học có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi.

Tại các cuộc họp của NATO và G7, Anh sẽ thông báo gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Gói này có tới 6.000 tên lửa, nhiều vũ khí chông tăng và vũ khí sức nổ cao, cùng với 25 triệu bảng Anh hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine. 

 Phương Tây định đẩy Nga khỏi G20, Trung Quốc bênh

Đại sứ Nga tại Jakarta cho biết hôm thứ Tư rằng ông Putin  định tới hội nghị thượng đỉnh G20, để đáp lại các báo cáo chưa được xác nhận mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đánh giá liệu Moscow có nên tiếp tục tham gia nhóm hay không. Indonesia hiện giữ ghế chủ tịch luân phiên G20.

“G20 không chỉ là một hội nghị thượng đỉnh. G20 là một quá trình. Có rất nhiều cuộc họp đã được Indonesia tổ chức cả trực tuyến và ngoại tuyến và Nga đang tích cực tham gia các cuộc họp này”, Đại sứ Nga Lyudmila Vorobieva nói với các phóng viên tại Jakarta.

Tuy nhiên Trung Quốc đã ủng hộ Nga tiếp tục tham gia G20. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng không thành viên nào có quyền xoá tư cách thành viên của một nước khác và G20 nên là một cơ chế đa phương thực sự, củng cố đoàn kết và hợp tác. 

Đại sứ Nga Vorobieva nói rằng G20 là diễn đàn giải quyết các vấn đề kinh tế, không phải những cuộc khủng hoảng như Ukraine. Bà nói rằng G20 cần có Nga để tìm lối thoát cho các vấn đề kinh tế toàn cầu. 

Chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/3: Nga chỉ cách Kiev 15- 20km, NATO bàn cách đối phó nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân - Ảnh 4.

Hơn 3,5 triệu người Ukraine đã di tản sang các nước khác từ khi chiến sự bùng nổ. Ảnh: Al-Jazeera. Thực hiện: Hữu Anh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem