Chiến tranh Ukraine, sự vắng mặt của ông Putin, Tập Cận Bình có tác động gì đến hội nghị G20 sắp tới?

Minh Nhật (theo Reuters) Thứ ba, ngày 05/09/2023 20:56 PM (GMT+7)
Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn của các quốc gia liên quan đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho là có nguy cơ lấn át các vấn đề "nóng" khác như an ninh lương thực, khủng hoảng nợ nần và hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Bình luận 0

Hội nghị do phương Tây chi phối

Chiến tranh Ukraine, sự vắng mặt của ông Putin, Tập Cận Bình có tác động gì đến hội nghị G20 sắp tới? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin sẽ vắng mặt tại G-20 trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự. Ảnh IT

Lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới dự kiến gặp nhau vào cuối tuần này ở New Delhi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20.

Người đại diện Trung Quốc tham dự G20 lần này là Thủ tướng Lý Cường chứ không phải Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Nga cũng xác nhận sự vắng mặt của Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị.

Điều đó có nghĩa là Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày từ ngày 9/9-11/9 sẽ do phương Tây và các đồng minh chi phối.

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ tham dự bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thái tử Mohammed Bin Salman của Ả Rập Saudi và Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho biết, một hội nghị thượng đỉnh thất bại sẽ bộc lộ những hạn chế trong hợp tác giữa các cường quốc phương Tây và ngoài phương Tây, đồng thời thúc đẩy các nước tham gia các nhóm mà họ cảm thấy thoải mái hơn.

Ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson ở Washington bình luận, để giải quyết các mối đe dọa toàn cầu, việc các nước chia rẽ thành các khối phương Tây và phi phương Tây không phải là điều bạn mong muốn.

Ấn Độ bị đẩy vào thế khó

Việc G20 không đạt được sự đồng thuận cũng sẽ làm tổn hại đến uy tín ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang cố gắng củng cố vị thế của New Delhi với tư cách là cường quốc kinh tế-chính trị - nhà lãnh đạo của Nam bán cầu.

"Nếu hội nghị thượng đỉnh G20 thất bại, New Delhi và đặc biệt là ông Modi sẽ phải chịu một thất bại lớn về ngoại giao và chính trị”, ông Kugelman bình luận.

Ấn Độ, quốc gia không lên án việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine bất chấp áp lực từ phương Tây sẽ phải thuyết phục khối đồng ý với một tuyên bố chung - cái gọi là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo - hoặc chấp nhận để G20 kết thúc mà không có thông cáo chung lần đầu tiên kể từ năm 2008.

“Các lập trường đã trở nên cứng rắn hơn kể từ Hội nghị thượng đỉnh ở Bali. Nga và Trung Quốc đã củng cố lập trường của mình và việc đạt được sự đồng thuận sẽ rất khó khăn”, một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói với Reuters, đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 được tổ chức tại Indonesia.

Tại Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã "may mắn" có được tuyên bố chung của khối vào phút cuối. Một quan chức chính phủ khác cho biết Ấn Độ đang hy vọng rằng các nhà lãnh đạo có thể một lần nữa đạt được đồng thuận vào phút cuối dù điều này được cho là sẽ khó có khả năng xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem