Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai

Lê Chiên (ghi) Thứ tư, ngày 25/10/2017 20:23 PM (GMT+7)
Đề nghị tòa soạn cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai?
Bình luận 0

Đề nghị tòa soạn cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai?

                                                                                                                (Bạn đọc Lò Thị Ngơi, Sơn La)

Vấn đề bạn hỏi, luật sư Nguyễn Anh Tuấn-Giám đốc Công ty Luật Đại Nam giải đáp như sau:

Ngày 9.1.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định về “cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”.

Theo quy định tại Điều 1, Điều 2, nghị định này thì Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai (gồm; bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác).

img

Nông dân Phù Yên (Sơn La) chịu thiệt hại nặng nề về lúa và hoa màu do đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: Bùi Tùng

Đối tượng hỗ trợ, bao gồm: Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai.

Tuy nhiên để được xem xét hỗ trợ thì các hộ sản xuất bị thiệt hại phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định này, như: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX) và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó...

Mức hỗ trợ được quy định tại Điều 5 nghị định trên. Đối với cây trồng thì mức hỗ trợ phụ thuộc vào loại cây trồng và diện tích cây trồng bị thiệt hại; đối với sản xuất lâm nghiệp cũng tương tự như vậy; đối với nuôi thủy, hải sản, mức hỗ trợ phụ thuộc vào loại con nuôi và diện tích bị thệt hại; đối với nuôi gia súc, gia cầm thì mức hỗ trợ tùy thuộc vào loại con nuôi và số lượng con bị thiệt hại; đối với sản xuất muối, mức hỗ trợ tùy thuộc vào diện tích sản xuất muối bị thiệt hại. Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem