Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một số chính sách bảo hộ, trợ giá quá sâu của Thái Lan đang vi phạm cam kết quốc tế, do đó chính phủ nước này đã có những điều chỉnh về chính sách cho ngành mía đường.
Trong nhiều năm, Chính phủ Thái Lan luôn duy trì giá mía tăng cùng chính sách đường bảo hộ cao.
Thả nổi giá bán lẻ đường trong nước
Chính phủ Thái Lan quy định cả giá bán đường và giá mua mía. Giá cố định đã được áp dụng kể từ năm 2009, khi chính quyền cũng thu hồi hệ thống hạn ngạch đường. Giá tối thiểu được ấn định hàng năm cho việc bán trong nước của đường hạn ngạch A (2,2-2,5 triệu tấn đường cho tiêu dùng trong nước). Điều này dựa trên doanh thu trung bình được dự báo từ doanh thu hạn ngạch A và doanh thu xuất khẩu theo hạn ngạch B (chỉ định 800.000 tấn cho xuất khẩu đường của nhà nước) cũng như hạn ngạch C (bao phủ số lượng đường sẽ được xuất khẩu bởi các nhà máy đường tư nhân). Nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía. Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, nhưng các nhà máy được bù đắp bởi Quỹ Mía đường do nhà nước điều hành.
Luật Mía và Đường năm 1984 cũng quy định cả các nhà sản xuất đường và nông dân trồng mía phải đề xuất giá bán lên Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB). Giá mía phải cao hơn 80% nhưng không vượt quá 95% lợi nhuận ước tính.
Tuy nhiên, vụ kiện được Brazil đệ trình Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2016 đối với Thái Lan liên quan đến chính sách xuất khẩu đường trái ngược với thỏa thuận WTO liên tục vẫn gây áp lực lớn đối với Thái Lan. Theo đó, Brazil cáo buộc Thái Lan trợ cấp quá mức cho các nhà sản xuất đường, hệ quả là kìm hãm giá đường quốc tế, giúp Thái Lan giành thị phần từ tay các nhà sản xuất Brazil.
Để loại bỏ vụ việc, theo bà Warawan Chitaroon, tổng thư ký OCSB cho biết chính phủ Thái Lan đã cân nhắc điều chỉnh 5 điều luật và quy định liên quan đến ngành đường cũng như dỡ bỏ các hạn ngạch nhưng vẫn duy trì dự trữ đường dồi dào cho tiêu dùng nội địa hàng năm nhằm tránh tình trạng thiếu hụt. Các nhà giao dịch cho rằng kế hoạch này sẽ không làm thay đổi thương mại đường Thái Lan cũng như hệ thống phân phối.
Chính phủ Thái Lan đã cân nhắc điều chỉnh 5 điều luật và quy định liên quan đến ngành đường
“Người ta chỉ thay đổi tên từ hạn ngạch sang dự trữ dồi dào”. Điều này cũng có nghĩa là Thái Lan sẽ tự do hóa giá đường bán lẻ nội địa. Chính phủ đã thả nổi giá bán lẻ đường trong nước từ mức cố định 23,5 baht mỗi kg trong vòng 2 năm 2017-2018, và hiện mức giá ban đầu cho 2 vụ mía đường năm 2018-2019 là 12,3 baht/kg.
Nguyên nhân việc hạ mức giá bán lẻ ban đầu trong năm 2018-2019 là vì lượng mía được chiết xuất sẽ thấp hơn do thời tiết thay đổi và nhu cầu tiêu thụ ít đường hơn bắt nguồn từ các chiến dịch chăm sóc sức khỏe và thuế đồ ngọt Thái Lan. Mặt khác theo ông Narathip Anantasuk, người đứng đầu Liên đoàn trồng mía quốc gia, cho biết giá đường toàn cầu dự kiến sẽ giảm liên tục khi sản lượng tăng từ các nhà sản xuất chính như Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Tình hình cung vượt cầu dự kiến sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Chính sách thả giá đường nổi trong nước ở Thái Lan cho đến nay được coi là có lợi và thành công khá ấn tượng với giải pháp tái cơ cấu ngành mía đường và định giá bán lẻ ban đầu theo cơ chế thị trường.
Về chính sách đối ngoại, Thái Lan không cấp phép nhập khẩu thường niên, theo đó đơn vị doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp đi xin giấy phép, song thực tế việc này hiếm khi xảy ra. Với những động thái này, Chính phủ Thái Lan muốn mở rộng ngành công nghiệp đường nội địa hơn nữa.
Kế hoạch tự do hóa vẫn là một phần, nhưng một số cơ chế vẫn được giữ để tiếp tục trợ cấp gián tiếp cho nông dân trồng mía, đặc biệt là bãi bỏ việc thu 5 Baht từ mức giá nhà máy đóng góp vào Quỹ Mía đường quốc gia và duy trì tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70:30, trong đó 70% tổng doanh thu đường cho nông dân, 30% còn lại được phân bổ cho nhà chế biến. Hệ thống phân chia lợi nhuận này được hỗ trợ tài chính từ Quỹ đường và mía. Quỹ này tự huy động vốn, phần lớn từ doanh thu bán đường hàng năm. Khi không có đủ tiền, quỹ này sẽ tìm kiếm các khoản vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước BACC. Tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70:30 này sẽ giúp tất cả 54 nhà máy đường đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định và tăng cường chuỗi cung ứng đường để cung cấp nhiều sản phẩm liên quan và đầu tư vào ngành đường có giá trị cao hơn sử dụng mật rỉ và bã mía.
Đầu tư giống mía mới chất lượng cao
Mỗi năm Chính phủ Thái Lan chi 2 - 3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía sau đó chuyển về Cục trồng trọt quản lí. Tiếp theo, Cục Trồng trọt hợp đồng với các viện, trường đại học để lai tạo giống. Khi giống được công nhận sẽ chuyển về các nhà máy và nông dân miễn phí.
Mỗi năm Chính phủ Thái Lan chi 2 - 3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía
Mới đây, Thái Lan cũng đưa vào thử nghiệm kỹ thuật trồng mía mới giúp giảm chi phí cho mía khoảng 4 lần tại tỉnh Phetchabun. Vì quá trình cải tiến giống mía có thể kéo dài, hầu hết nông dân trồng mía thông thường đều sử dụng các giống không thuần. Ngoài ra, các giống mà họ đã sử dụng trong một thời gian dài có thể làm giảm chất lượng và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và chất lượng của vụ thu hoạch.
Kỹ thuật canh tác mía mới này cho phép tạo ra các vườn ươm cho các giống mía chính để giảm chi phí và tăng năng suất. Cây giống thuộc giống mía chất lượng cao (KPK 98-51) do OCSB và Đại học Kasetsart phối hợp phát triển trong dự án phát triển để cải tiến giống mía và phát triển hệ thống quản lý sản xuất mía toàn diện, đã được trao cho những người trồng mía. Mỗi cây giống mía sẽ được trồng trong 1 lỗ riêng lẻ. Đối với đợt đầu tiên này, tổng cộng 300.000 cây đã được đưa ra, với mỗi nông dân nhận được khoảng 700 cây, để nhân giống tiếp theo. Dự án nhằm trang bị cho những nông dân này những kiến thức và chất lượng các giống mía mà họ cần để bắt đầu các vườn ươm mía thích hợp. Cây mía được trồng theo cách này cũng cho thấy tỷ lệ sống sót cao hơn và trưởng thành hoàn toàn để thu hoạch. Quan trọng hơn, các loài KPK 98-51 đã được phát triển để phù hợp với môi trường trồng trọt và có khả năng đạt năng suất trung bình 17 tấn/rai ,so với 8-11 tấn sản lượng mỗi rai trước đây.
Dự án kinh tế sinh học cho mục tiêu bền vững
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana cho biết chính phủ sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp đường để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng theo chính sách kinh tế sinh học.
Chính phủ đã phân bổ 500.000 tấn đường để sản xuất xăng ethanol, nhằm giảm chi phí sản xuất thay thế nguyên liệu sắn. Nhiều nhà sản xuất ethanol đang phải đối mặt với chi phí gia tăng từ sắn vì nhu cầu cao hơn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Nông dân trồng mía sẽ có thể tránh xa việc chỉ sản xuất mía để cung cấp xuất khẩu đường, điều này khiến họ phải đối mặt với giá cả toàn cầu đầy biến động. Phát triển kinh tế sinh học là nhằm giúp họ tăng giá cây trồng, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và ổn định giá.
Kế hoạch kinh tế sinh học áp dụng cho hệ thống công nghiệp đường mía ở Thái Lan đã được thực hiện ở các tỉnh phía đông bắc kể từ tháng 4/2018, khi được nội các thông qua. Ông Uttama cũng cho biết chính phủ đã chọn ba tỉnh cho dự án - Khon Kaen, Nakhon Sawan và Kamphaeng Phet - nơi có khối lượng lớn sắn và mía. Theo đó, các nhà sản xuất đường và nông dân trồng mía sẽ tìm cách cân đối nguồn cung cho sản xuất đường và các sản phẩm hóa sinh học trong mùa nghiền mía năm 2018-19, bắt đầu vào tháng 11/2018. Lượng cung ứng sẽ tuân thủ theo Luật Mía và Đường năm 1984.
Chính phủ Thái Lan có kế hoạch phát triển dự án trong giai đoạn 2018-2026 với mục tiêu nước này sẽ trở thành trung tâm sinh hóa của Đông Nam Á vào năm 2027 với giá trị đầu tư dự kiến là 130 tỷ baht, tập trung vào nhựa sinh học và hóa sinh. Rất nhiều công ty, tập đoàn của Thái Lan quan tâm đến kế hoạch sinh hóa này. Ước tính vào năm đó, dự án sẽ tăng thu nhập của nông dân trồng mía nói riêng và nông dân nói chung lên tới 85.000 baht/người mỗi năm, tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp khoảng 400 tỷ baht và sử dụng hơn 800.000 người trên toàn quốc.
Bà Warawan cho rằng OCSB đã phê duyệt ngân sách để giúp nông dân lên tới 50 baht /tấn cho 5.000 tấn mỗi người, vì vậy nông dân sẽ có được giá mía là 880-900 baht / tấn. OCSB cũng sẽ hỗ trợ nông dân sử dụng công nghệ để tăng năng suất mía lên 15% từ 11% vì việc mở rộng các đồn điền mía là khó khăn ở Thái Lan hiện nay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.