Chính thức kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố
Chính thức kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố
PV
Chủ nhật, ngày 21/11/2021 15:55 PM (GMT+7)
Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Sáng 21/11/2021 tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Hóa đơn điện tử mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thuế, từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý. Đến nay, qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống CNTT của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.
Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế luôn nỗ lực liên tục cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý để mang lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể hơn, ngay từ năm 2010, Tổng cục Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung HĐĐT vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp hiện đại hóa công tác quản trị phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Theo đánh giá, mặc dù HĐĐT là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng HĐĐT, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung 1 chương về HĐĐT.
Để đưa các quy định về HĐĐT trong Luật Quản lý thuế vào thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021 và giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng HĐĐT.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố triển khai với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống HĐĐT.
Việc triển khai áp dụng HĐĐT mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi sang HĐĐT có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Và đặc biệt, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.
Hóa đơn điện tử đem lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước nhấn mạnh, HĐĐT mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội, chính vì vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.
Để triển khai nhiệm vụ này, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ nhằm sớm đưa HĐĐT vào cuộc sống, cụ thể: Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng (Luật quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); khẩn trương, quyết liệt triển khai chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phước đã cảm ơn sự vào cuộc của các cấp, các ngành của 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí trong công tác chuẩn bị, đồng thời yêu cầu toàn thể các cán bộ công nhân viên ngành thuế quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh, việc triển khai HĐĐT sẽ thành công và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Tài chính, ngành Thuế trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời, cũng chúc mừng những kết quả bước đầu mà ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ, cũng các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế để kích hoạt, đưa hệ thống HĐĐT vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn Ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống HĐĐT; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về HĐĐT đến toàn thể Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dẫn, doanh nghiệp.
Các định rõ việc triển khai hệ thống HĐĐT là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống HĐĐT, nhất là phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.
Cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý HĐĐT, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại diện tử, giao dịch xuyên biên giới... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.