Chợ mây núi Cấm

Thứ hai, ngày 21/03/2011 08:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi bình minh rọi tia nắng đầu tiên xuống ngọn Cấm Sơn linh thiêng của đất An Hảo, Tịnh Biên, An Giang là chợ họp.
Bình luận 0

Chợ có tự bao giờ chẳng ai nhớ nổi, chỉ nhớ rằng tuổi mới lên 5 tôi đã háo hức bám theo gánh hàng của mẹ, của cô, từ sớm tinh mơ hổn hển leo đèo lên chợ.

Ở nơi khác, người ta gọi là đi chợ, ra chợ, về chợ, xuống chợ, còn đồng bào Khmer nơi đây đến chợ mây núi Cấm thì gọi là "leo chợ". Đường lên chợ như đã có tự trăm năm, dốc cao, lối hẹp, gánh hàng rong trên đôi vai mảnh khảnh của những phụ nữ Khmer, phải khéo léo lắm mới giữ được thăng bằng, không va đập vào vách đá. Đường lên chợ mây núi Cấm nhọc lắm, chỉ cần một thoáng mất thăng bằng là bao nhiêu hàng hóa, công sức trở thành công cốc.

img
Tập kết hàng trước khi mang lên chợ mây Cấm Sơn.

Chợ mây nằm giữa lưng chừng núi thâm u cây cối, từ bao đời nay nó như điểm đầu mối, trung chuyển hàng hóa, chủ yếu là lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của 500 hộ với gần 3.000 nhân khẩu sinh sống rải rác trên núi Cấm và hàng ngàn khách vãng lai hành hương, du lịch mỗi ngày.

Chợ tuyệt nhiên không có sạp hay quầy cố định mà chỉ bán buôn dưới đất, trên một lối đi rộng chừng 3m, nào quang gánh, thau, thúng bày biện, lổn ngổn khắp nơi. Hàng hóa ở dưới núi được gánh lên nhiều nhất là cá, thịt lợn, thịt bò, gà, vịt...

Hàng nông, lâm sản bày bán trên núi có rau, củ, quả, nhiều nhất là măng mạnh tông (măng đen, to, dài có lông). Có nhiều loại rau rất lạ mà ở đồng bằng không có, như: Ngũ trảo, ngành ngạnh, đọt bứa, cơm nguội, bằng lăng, đọt chiếc...

Một điều đặc biệt ở chợ mây núi Cấm là quan hệ giữa người bán với người mua, giữa những người bán hàng với nhau rất gần gũi, thân tình. Như có quy ước ngầm định, ai đã bán hàng gì thì mãi mãi chỉ bán hàng đó. Thế mới có chuyện, người mua chỉ chờ gánh hàng quen của mình đến mới bắt đầu mua.

Trong chợ mây có đến cả gần trăm gánh hàng, nhưng hầu như không có trường hợp trùng món. Cùng bán mặt hàng thịt lợn, nếu người này chuyên bán thịt ba rọi và sườn thì người kia chuyên bán móng giò, tai lợn... Chủ mỗi gánh hàng đều có "thị phần" riêng, không có chuyện giành khách, hay nói thách, chửi bới, xách mé…

Chợ mây nhóm họp chỉ chừng 2 giờ đồng hồ. Khi nắng lên, sương tan, mây bay hết, chợ sẽ giải tán. Những phụ nữ Khmer sau khi rời bãi chợ, ai còn hàng sẽ vừa đi vừa bán, thể nào khi xuống chân núi, đôi quang cũng nhẹ tênh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem