Chờ nhiều năm nữa

Thứ năm, ngày 08/09/2011 05:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghị quyết 88 của Chính phủ đặt ra việc hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, là chủ trương đúng đắn được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả là chuyện đầy thách thức.
Bình luận 0

Ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, ai cũng phàn nàn xe máy quá nhiều gây kẹt xe, và nhiều “tội” khác nữa. Nhưng thử hỏi có mấy ai không đi xe máy? Ngay cả những người có ôtô vẫn phải sử dụng xe máy trong nhiều trường hợp cần thiết. Với thực trạng hạ tầng giao thông và tính chất đô thị của VN, xe máy là phương tiện đi lại hữu hiệu nhất.

Một bộ phận rất đông người dân làm các nghề lao động tự do, buôn bán chạy xuôi chạy ngược để kiếm miếng ăn, sử dụng xe máy rất thuận tiện và tiết kiệm, phù hợp với công việc cần gấp rút thời gian và vận chuyển hàng hóa nhẹ. Đô thị phần lớn đường nhỏ, nhiều hẻm hóc, tổ chức giao thông chưa khoa học, phương tiện công cộng chưa đủ và phù hợp với nhu cầu nên việc đi lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của cá nhân. Với thực trạng đô thị hiện nay, xe máy thực sự có công hơn là có “tội”, bởi vì nó đã giúp cho hàng triệu người có phương tiện đi lại, kiếm sống.

Đã đến lúc phải thay thế xe máy bằng các phương tiện khác, đó là yêu cầu của thời đại, của cuộc sống, nhưng không thể cấm ngay hay 1-2 năm tới mà phải có lộ trình thực hiện. Cấm làm sao được và nếu cấm thì người dân đi lại bằng cách nào? Các hãng xe máy ra sức sản xuất để khai thác thị trường, tranh giành khách hàng, thì có lẽ xe buýt cũng phải tự đặt ra cho mình chiến lược cạnh tranh với xe máy.

Muốn người dân tự giác hạn chế sử dụng xe máy trước hết phải tổ chức hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Ví dụ tại TP.HCM, các tuyến metro vẫn bàn nhiều nhưng chưa biết đến khi nào mới có một tuyến đi vào hoạt động. Chính quyền vận động người dân đi xe buýt, nhưng hệ thống phương tiện này vẫn mang hình ảnh cũ, không đủ sức hấp dẫn hành khách. Đó là thực tế không thể lảng tránh, đồng thời là một thách thức phải vượt qua.

Thử hình dung nếu Hà Nội và TP.HCM có nhiều tuyến metro hiện đại, sang trọng, có hệ thống xe buýt sạch, đẹp, nhân viên phục vụ tận tình, đi đủ các tuyến lớn nhỏ, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người lựa chọn metro và xe buýt để đi lại. Khi xã hội đã quen với phương tiện công cộng và phương tiện công cộng cũng sẵn sàng phục vụ người dân thì việc cấm xe máy mới có thể thực hiện. Nhưng để có được hệ thống phương tiện giao thông công cộng văn minh, thuận tiện như các nước tiên tiến, có lẽ cũng phải 20 năm nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem