Cho phép tiêu thụ 364 tấn cá tra tồn

Hà Vũ Thứ hai, ngày 05/01/2015 06:30 AM (GMT+7)
Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ NNPTNT tại phiên họp Chính phủ tháng 12, cho phép các doanh nghiệp còn trên 364 tấn cá tra tồn được tiêu thụ đến hết năm 2015, thay vì phải rã đông, tái chế sản phẩm theo quy định tại Nghị định 36. 
Bình luận 0

Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12.2014 vừa ban hành, Chính phủ thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định 36/2014 đến hết ngày 31.12.2015. Điểm b và c nói trên quy định về tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh của sản phẩm cá tra xuất khẩu...

Tỷ lệ mạ băng không được quá 10%

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã có những bước phát triển vượt bậc trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt tại một số tỉnh Tây Nam Bộ ven sông Tiền, sông Hậu như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang. Tại An Giang, với thời gian nuôi 7 tháng 1ha cá tra có thể đạt năng suất 500 tấn. “Vừa rồi, tôi kêu gọi dân đồng bằng sông Cửu Long kiềm chế, giảm năng suất xuống mức độ bình quân 300 tấn/ha/vụ” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ.

img
Chế biến cá tra xuất khẩu (ảnh minh họa).  Ảnh: An Đăng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2014 sản lượng cá tra nuôi là 1,1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đã có những biểu hiện thiếu bền vững do quy hoạch nuôi trồng, chế biến; cân đối cung cầu; chất lượng cá tra fillet không đảm nên nhiều lúc giá thu mua cá nuôi thấp hơn giá thành.

Theo ghi nhận, trong những ngày cuối năm 2014, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long tăng giá trở lại, do một số nhà máy cần nguyên liệu đưa giá thu mua lên 24.000-24.500 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ có lợi cho người nuôi cá liên kết gia công hoặc nuôi theo hợp đồng bán cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó không ít người từng có ao nuôi cá tra trước đây khoanh tay ngồi nhìn vì nợ nần, cạn vốn.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cũng cho biết, gần đây các cảnh báo của thị trường nhập khẩu về chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Đáng lưu ý là thông tin về cá tra fillet có tỷ lệ mạ băng (xem box) cao được đăng tải trên các báo tại Nga, Mỹ, Brazil, Italy, UAE…

Ở Đức, còn công bố hàm lượng nước trong cá tra fillet cao bất thường. Tại hội nghị của Liên minh Thanh tra thủy sản thế giới tại Hoa Kỳ năm 2012 và gần đây tại Diễn đàn về gian lận thực phẩm của Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Châu Âu ngày 23-24.10.2014 tại Rome (Italy), cá tra fillet đông lạnh đã trở thành một ví dụ về việc lạm dụng phụ gia tăng trọng và mạ băng.

Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 về sản xuất, kinh doanh cá tra, trong đó quy định về tỷ lệ mạ băng không quá 10%, hàm lượng nước trong cá fillet không quá 83%. Tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước nêu trên được quy định dựa trên yêu cầu về công nghệ chế biến cá tra theo tiêu chuẩn quốc tế. Đơn cử, hiện nay Liên bang Nga quy định tỷ lệ mạ băng trong cá fillet đông lạnh là 5%, tôm đông lạnh là 7%.

Đảm bảo hàm lượng nước đúng tiêu chuẩn

Việc áp dụng tỷ lệ mạ băng không quá 10% là đủ để bảo vệ sản phẩm, chống cháy lạnh. Về hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra fillet đông lạnh, kết quả nghiên cứu cho thấy ngâm quay theo phương án phù hợp sẽ cải thiện chất lượng cảm quan và tăng trọng từ 10-30%.

Phương án sử dụng phụ gia cải thiện chất lượng cảm quan tương ứng tăng trong 15% (hàm lượng nước là 83% xử lý mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc 83,6% xử lý mẫu theo Codex) sẽ đảm bảo được sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao, có uy tín về lâu dài. Tuy vậy, hiện tại sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp trong thương lượng với khách hàng ký hợp đồng vì từ trước tới nay các bên đã quen với việc mua bán cá tra giá rẻ và quan ngại sản phẩm chất lượng cao sẽ khó cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác như cá Minh Thái, cá rô phi.

Cũng theo Bộ NNPTNT, phương án sử dụng phụ gia để cải thiện chất lượng cảm quan tương ứng với mắc tăng trọng 30% (hàm lượng nước là 84.5% xử lý mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc 85,5% xử lý mẫu theo Codex) giải quyết được những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp chế biến. Về lâu dài, theo Bộ NNPTNT, điều này không tạo được uy tín về sản phẩm cá tra độc đáo của Việt Nam có chất lượng cao, không ngăn chặn được hiện tượng gian lận thương mại.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, lượng sản phẩm không đáp ứng quy định về hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng sau ngày 12.9.2014 là 364,067 tấn. Hiện các cơ quan chức năng đã tổ chức 11 đoàn công tác đến làm việc tại các doanh nghiệp để thống kê, xác nhận lượng sản phẩm không đáp ứng quy định của Nghị định 36.

Mạ băng là quá trình làm đóng băng một lớp nước trên bề mặt sản phẩm.  Mục đích của việc mạ băng nhằm bảo vệ sản phẩm, ngăn cách sản phẩm với không khí để chống việc bị oxy hóa các thành phần dinh dưỡng do tiếp xúc với không khí. Bên cạnh đó, lớp băng mạ giúp cho sản phẩm không bị cháy lạnh do protein bị mất hết nước. Ngoài ra, mạ băng cũng góp phần làm cho bề mặt sản phẩm đẹp hơn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem