Chợ Việt xưa nay: Tôi đi chợ thời gian

Vi Thùy Linh Chủ nhật, ngày 17/04/2022 09:00 AM (GMT+7)
Chợ đã ở trong tâm thức ngàn năm của người Việt Nam như điểm thiết yếu của cuộc sống, mỗi phần đời. Đi chợ, là một cách “du hành không gian - thời gian” của tôi.
Bình luận 0

Nói đến chợ, tâm thức người Việt nghĩ ngay đến chợ dân sinh, mua bán lương thực, thực phẩm là phổ biến, gắn với cuộc sống nhất. Loại chợ này cũng đủ thứ tên dân dã: Chợ làng, chợ phố, chợ ngõ, chợ tạm, chợ cóc, chợ "đuổi" (đứng lề đường, bị công an dân phòng cấm họp, thành tên luôn), chợ bóp (giá đắt)... là hình thức họp, chưa kể quy mô. Đô thị, tỉnh lỵ có các chợ đầu mối.

Hai thành phố lớn nhất Việt Nam đều có tên gọi gắn với từ "Chợ". Hà Nội có tên này năm 1831, trước đó là Thăng Long. Ở thời nào, nói kinh kỳ Kẻ Chợ là chỉ nơi "đất thánh" phồn hoa, tấc đất tấc vàng, thành phố lâu đời nhất Việt Nam - 1.022 năm tuổi. Chỉ hơn 300 năm, TP.Hồ Chí Minh ngày nay vốn là đất Sài Gòn - Gia Định bên sông Sài Gòn, đô thị lớn, giàu có nhất phương Nam lừng danh tên "Chợ Lớn" như một "thủ phủ" buôn bán sầm uất nhất Đông Dương. Quận 1, quận hành chính - trung tâm của "Hòn Ngọc Viễn Đông", với phường Bến Nghé, Bến Nhà Rồng (cảng sông), chợ Bến Thành tầm vóc và nổi tiếng nhất. Dù nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại, du khách trong và ngoài nước đến Sài Gòn là hay ghé chợ Bến Thành. Hình hiệu của chợ danh tiếng nhất này là một biểu tượng của thành phố.

xuan/ Tôi đi chợ thời gian - Ảnh 1.

Chợ đông vui nhất lúc phiên, khi hội, nhất là chợ họp Chạp cuối năm.

Chợ, nơi bày bán thành quả chăn nuôi, trồng trọt, bộc lộ năng lực tài chính, nói đơn giản là hầu bao eo hẹp hay rủng rỉnh bộc lộ qua sức mua. Chợ là nơi để tìm nhau, hội ngộ được người lâu không gặp, để chơi, để diện, để hẹn hò. Chợ đông vui nhất lúc phiên, khi hội, nhất là chợ họp Chạp cuối năm.

Đi siêu thị quen thì giác quan ỳ. Không giao tiếp, chuyện trò, không mặc cả. Mặc cả và lựa chọn là cái thú của nếp sống cộng đồng tương tác, chứ đâu chỉ nhỏ hẹp đắt rẻ khen chê. Đồ đông lạnh lấy đâu ra sắc, hương, vị tươi ngon. Nên ở các nước công nghiệp, người dân vẫn thích chợ thôn quê, chợ ngoại ô cuối tuần có đồ tươi sống. Người Việt Nam xa xứ, tết nhất thiết đặt, lùng mua gà trống sống, ai lại mua gà đông lạnh chặt hết đầu cổ cẳng chân dâng mâm cỗ hướng về...

Cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình thành phố đi chợ tuần một lần, ngộn đồ chất trong tủ lạnh. Những tháng giãn cách xã hội, nhà nhà chỉ chực chờ chiều kẻng gõ là tranh nhau đi đổ rác. Hí hửng buổi sáng mua được mớ rau miếng đậu phụ tươi. Niềm vui ấy không phải vì chất lượng thực phẩm mà là thèm được giao lưu, gặp gỡ.

xuan/ Tôi đi chợ thời gian - Ảnh 3.

Chợ phiên ngày cuối năm. Ảnh: Trọng Chính

Thế nên, dù tuân thủ 5K, dù hiểu virus biến thể Delta, Omicron lây nhanh, phức tạp, thì sao hình dung được Tết cổ truyền không hoặc phiên chợ tết. Nhớ những mùa bình yên.

Về quê đồng bằng Bắc Bộ, chợ đông nườm nượp trước và sau tết, đầu Xuân rủ nhau đến chợ cầu may, cầu duyên. Ngoài chợ dân sinh nhu yếu phẩm, còn có chợ chuyên: Chợ vải vóc, chợ rau quả, chợ ngựa Bắc Hà. Miền cao, phiên chợ là hội. "Xuống chợ" là thổ cẩm rừng hoa. Đi chợ còn để được ăn ngon, chơi vui và gặp bạn bè, nảy duyên mới. Chợ là chốn trổ tài khéo thêu đính vá may, là sân khấu dân gian cho mọi lứa tuổi trổ tài ca hát, mà "nhân vật chính" là thanh niên, lớp trẻ. Chợ tình Khau Vai Hà Giang đã vào văn chương, sân khấu, điện ảnh...

Chợ buồn khi thất thu, giáp hạt, vắng lặng, mưa dầm. Khổ và cô đơn cũng chỉ biết ra chợ bán cá tép nhỏ nhoi lần hồi để sống. "Bà còng đi chợ trời mưa" sống trong ca dao bao đời hôm nay con tôi vẫn hát. Bé hỏi mẹ về "chú chuột đi chợ đường xa" là chợ nào, có phải ở Vinmart, Lotte gần nhà mình không? Mèo thì bà ngoại vẫn nuôi, các bé chưa nhìn thấy cây cau thực tế lần nào, ngoài cây cau ở Nhà hát múa rối trong tích cổ " Đánh cáo bắt vịt"- cáo chứ không phải mèo trèo cau.

xuan/ Tôi đi chợ thời gian - Ảnh 4.

Đại dịch ập đến cùng cuộc sống đô thị hiện đại, con người mất dần thói quen đi chợ, thay vào đó là chợ online. Ảnh: H.A

Ồn ã, lắm lúc náo loạn nên mới có câu "ồn ào như cái chợ", "ầm ĩ như họp chợ". Cũng không gì hiu hắt hơn cảnh chợ chiều. Nhất là khi xa nhà, chợ còn lác đác vài hàng ế khi trời xẩm tối ở vùng quê quen ăn, ngủ sớm. Buồn như chợ chiều tối 30 Tết. Cố trụ bán muộn hơn cả là đám bán hoa, cây cảnh. Gì để dành, chứ hoa đào chậu quất thì phải cố bán thêm mong thêm chút tiền, lãi ít hoặc hòa, lỗ cũng bán tháo chứ dằng dai gì tối chót năm. Khách chợ muộn là thị dân nghèo chờ giá hạ hết mức, cành đào "bu gà" còi cọc gọi là có tí sắc Xuân trong tệ xá chỉ là chỗ "chui ra chui vào" lấy đâu ra điều kiện trang hoàng mua sắm. Tất nhiên, có người vì bận quá mà mua trễ tràng và cả kẻ tham muốn giờ "tối như đêm 30" hòng được rẻ như cho như đổ tháo.

Chợ đồ cũ, chợ trời muôn vàn thứ. Chợ mạng, chợ online, những quảng cáo "mua ngay cái gì cũng có" "siêu khuyến mãi" rà rã tivi, cưỡng bức/cướp thị giác chen vào màn hình internet, không cho tôi được cảm giác quý nhất như hồi trẻ thơ. Đó là mong mẹ đi làm về. Mẹ tan làm về thường qua chợ Bưởi, chợ lớn nhất lâu đời nhất phía Tây kinh thành Thăng Long, sau xây mới vẫn là chợ bán giống cây - hoa, vật nuôi to nhất của vùng Kẻ Bưởi của Hà Nội hiện thời.

"Mong như mong mẹ về chợ" lúc hoa niên. Mong được đưa con đi sắm tết tuổi trung niên. Ước sẽ đến vùng Trung Đông, dạo phiên chợ Ba Tư thực sự chứ không tưởng tượng qua âm nhạc. Bản giao hưởng "Phiên chợ Ba Tư" (1920) của nhạc sĩ Anh Albert William Ketelbey, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt cách đây nửa thế kỷ, cứ mùa Xuân là tấu lên, thật lạ là nó thịnh hành ở Á Đông, xứ sở đề cao Tết Nguyên đán. Hơn 100 năm nay, nhiều dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng đại vũ kịch vẫn trình tấu - biểu diễn "Phiên bản Ba Tư". Chợ phản ánh sinh động văn hóa vùng nơi ấy.

Chợ là vui dù cuộc vui nào cũng phải tan. Dù là Hội chợ phù hoa (Vanity Fair, 1847) như nhà văn W.Thackeray viết và tự minh họa cho tiểu thuyết châm biếm xã hội thượng lưu Anh đầu thế kỷ XIX (qua nhân vật Rebecca, cô gái bình dân tận dụng mọi cơ hội để chen vào giai tầng quý tộc cũng đáng để dự phần, trải nghiệm.

Tôi vẫn giữ bồi hồi đón tết, náo hức chợ hoa, hứng khởi sắm sanh. Bí mật nhé: Không chỉ vì hai con nhỏ thích chơi hơn ăn, mà niềm vui của con nhân trong tôi luồng sinh khí để "cất cánh". Con gái tôi học tiếng Việt lớp 2 qua VTV7, giữa tháng 12 bài có câu mẫu vần "ip": "Chợ tết đông vui nhộn nhịp". Chưa đến Chạp con đã giục đi chợ tết. Tôi thích du Xuân trong chợ ngày áp tết. Đó là cách nhanh, "lãi" nhất để mua được thời gian khi ký ức tràn về đẹp và ấm tình, linh diệu... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem