Vượt lên khó khăn
Gặp anh Đông trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 nằm ven tỉnh lộ 110, bề ngoài ngôi nhà giản đơn nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi...
Nhờ nuôi vịt mà kinh tế gia đình anh Đông ngày càng khấm khá
Tận dụng đất vườn sẵn có, anh dành một phần đất khoảng 2.000 m2 quây kín lại và nuôi hơn 1.000 con vịt. Nhờ được chăm sóc đúng quy cách, vịt ít bệnh, thịt chất lượng nên được các chủ nhà hàng, quán ăn ẩm thực trên địa bàn tìm đến mua. Với giá bán giao động từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt, kinh tế gia đình anh Đông ngày càng khá giả, có của ăn của để.
Vịt của anh Đông được nuôi theo hướng bán công nghiệp, chủ yếu cho ăn cám ngô, cây chuối, rau rừng và hạn chế cám công nghiệp nên chất lượng thịt ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nhớ lại tháng ngày gian khó, anh Đông kể: Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình luôn nung nấu ước mơ làm giàu. Đất vườn rộng mênh mông nhưng không hiểu sao cái nghèo vẫn bám riết lấy gia đình. Năm 2004, nghe một số bạn bè rủ đi xuất khẩu lao động Malaysia, rằng bên đó thu nhập cao, chịu khó làm sau vài năm là có thể đổi đời. Mình đã đi theo bạn sang Malaysia vào làm tại một nhà máy. Nào ngờ không như ý muốn, lao động quần quật cả tháng trời mà đồng lương chỉ được 2 triệu – 3 triệu đồng. Đồng lương ít không bõ công sức mình bỏ ra, nghĩ vậy, mình trở về với quyết tâm gắn bó với nương vườn, làm giàu trên chính quê hương mình.
Bằng số vốn tích góp và vay thêm của anh em, anh Đông đã đầu tư làm chuồng trại, quây lưới kín quanh vườn để nuôi ngan, số lượng lên đến hàng trăm con. Nuôi ngan phát triển tốt, lớn nhanh, con nào cũng nặng cỡ vài cân. Nào ngờ chuẩn bị xuất bán, bỗng cả đàn ngan chết sạch chỉ sau một đêm vì bệnh dịch.
Làm lại từ đầu sau thất bại
Bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống sông xuống bể, anh Đông ngậm đắng nuốt cay khi thấy tiền không cánh mà bay, xót lòng vô kể. Thế rồi anh bỏ ngan chuyển sang nuôi vịt. Để có kỹ thuật nuôi vịt, anh lặn lội đến các trang trại nuôi vịt vùng lân cận học hỏi kinh nghiệm, học thêm qua tivi, đọc sách, báo… Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt đến nay, đàn vịt của anh Đông luôn duy trì số lượng trên 1.000 con và chưa lần nào bị mắc bệnh, vì được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật.
Lúc nào anh Đông cũng tất bật bên chuồng vịt
Theo anh Đông, so với nuôi ngan thì vịt có sức đề kháng tốt, ít bệnh hơn. Đàn vịt của anh được nuôi theo hướng bán công nghiệp, chủ yếu cho ăn cám ngô, sắn, cây chuối băm nhỏ, trộn với ít cám công nghiệp. Nếu nuôi vịt hạn chế được càng nhiều cám công nghiệp càng tốt, vịt sẽ chắc thịt, ít mỡ, ăn ngon hơn. Chính vì thế để cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn vịt, anh trồng cả đồi chuối, ngô và rau xung quanh nhà.
Cả đàn vịt hơn nghìn con, con nào con nấy béo, khỏe, ít bệnh nhờ được chăm sóc tôt, đúng kỹ thuật.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt, anh Đông nói rằng: Phải thường xuyên cho vịt ở trạng thái no, đặc biệt không để vịt khan, háo thức ăn. Nếu để vịt quá đói chúng sẽ ăn rất nhiều, vừa tốn thức ăn lại ảnh hưởng đến sức khỏe, không những vịt phát triển chậm mà số lượng thức ăn tăng lên, thậm chí xảy ra tình trạng bội thực, làm chết vịt. Khi vịt được 15 ngày tuổi, phải tiêm phòng bệnh dịch tả. Sau đó 30 – 45 ngày tuổi cho uống thuống phòng bệnh thương hàn, bệnh đốm gan, cầu trùng.
Vì nuôi gối lứa nên lúc nào anh Đông cũng có vịt bán cho khách
Nhờ nuôi theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, hạn chế cám công nghiệp, chủ yếu cho ăn các loại thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên nên được nhiều nhà hàng, quán ăn trong vùng tìm đến mua. Có thời điểm, giá vịt xuống thấp, người nuôi vịt gặp khó trong đầu ra nhưng riêng vịt anh Đông nuôi vẫn không bị ế, trái lại còn cháy hàng liên tục, vì chất lượng thịt vịt thơm, ngon, có uy tín với người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.