Chọi bò miền sơn cước

Chủ nhật, ngày 09/02/2014 13:33 PM (GMT+7)
Giống bò u ở miền sơn cước huyện Bảo Lâm, Cao Bằng không chỉ nổi tiếng cày rẫy khỏe mà khi xung trận nó còn có những miếng đánh độc đáo. Mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào ở nơi đây lại nô nức bước vào lễ hội chọi bò.
Bình luận 0
Người Mông giỏi nuôi bò

Mới 27 tuổi nhưng anh Hoàng Văn Quang ở khu 4 thị trấn Pác Miầu, Bảo Lâm đã khá nổi tiếng. Người đàn ông người Mông này đã cùng bò của mình dành 2 giải quán quân (năm 2010, 2013) trong dịp lễ hội. Anh Quang thổ lộ: “Mang bò ra chọi thi chủ yếu là để góp vui ngày Xuân, còn việc chính vẫn là để đi nương rẫy. Khi mình được giải nhiều anh em tìm về nhà chơi hỏi cách thức chăm sóc để được bò to khỏe mình đều nói hết, chẳng có bí quyết gì đâu, giống bò u vùng này vốn đã khỏe, bỏ công ra chăm sóc sẽ được bò tốt thôi”.

Bò vô địch năm 2013 được anh Quang chuyển nhượng cho Hoàng Văn Pá với 72,5 triệu đồng.
Bò vô địch năm 2013 được anh Quang chuyển nhượng cho Hoàng Văn Pá với 72,5 triệu đồng.

Ông Tô Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết: “Đồng bào người Mông chăm sóc bò rất chu đáo, nhiều gia đình nhà cửa của họ có thể còn sơ sài nhưng đối với chuồng bò lại đầu tư rất tốt. Chuồng được làm kiên cố, mái lợp fiprô xi măng, nền dải ván gỗ, xung quanh được quây kín để tránh gió lùa. Bò không phải thả rông mà nuôi dưỡng trong chuồng với chế độ ăn được tính toán kỹ, từ cho ăn cháo ngô đến ăn cỏ tươi”.

Chính vì kỹ thuật nuôi bò độc đáo nên từ khi hội thi bò đẹp và chọi bò ở Bảo Lâm được tổ chức từ năm 2008 đến nay đã qua 6 mùa giải bò của đồng bào người Mông luôn giành giải quán quân. “Mình chăm lo cho bò tốt nó không chỉ giúp cày rẫy khỏe mà sau vài năm còn được giá từ mấy chục triệu đồng trở lên” – anh Hoàng Văn Pá (khu 4, Pác Miầu) cho hay. (giá từ 140 -160 nghìn đồng/kg thịt hơi – PV).

Những trận đấu của giải chọi bò luôn hấp dẫn.
Những trận đấu của giải chọi bò luôn hấp dẫn.

Đối với đồng bào người Mông nơi đây, tâm thức trân trọng con bò đã có từ bao đời nay. Bò được coi là một tài sản quý giá trong nhà. Nó là đồ trang sức, là biểu tượng cho sự giàu có của thân chủ. Mỗi gia đình ít nhất cũng phải có một con bò trong chuồng, nuôi giỏi có có đàn bò từ 7-8 đến 20 con, ai không nuôi được con bò to coi như nghèo suốt đời.

Cách thức chọn giống bò đồng bào chăn nuôi nơi đây vẫn truyền cho nhau, khi đi chọn mua bò phải tìm con có thân dài, cổ chum, sừng ngắn, u lớn, chân to, mông lồng bàn. Chọn được kiểu bò đó, lại chăm nuôi tốt bò có thể to đến hơn 500 – 700kg, rất trường sức, kéo được cả tảng đá to để xếp hàng rào bờ rẫy, cày bừa, kéo củi quần quật mà không mệt.

Chuẩn bị mùa giải mới


Ông Tô Mạnh Hùng hồ hởi giở bảng thống kê thấy số lượng đàn bò toàn huyện tăng mạnh qua mỗi năm. Năm 2008, số lượng mới gần 16 nghìn con, tính trong 9 tháng đầu năm 2013 số lượng bò toàn huyện đã lên tới hơn 34 nghìn con, trong đó có gần 3.000 con xuất chuồng, sản lượng thịt hơi bán ra gần 750 tấn.

Huyện Bảo Lâm nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng gần 200km. Huyện có diện tích 902km2, với 13 xã và 1 thị trấn, dân số khoảng 60.000 nghìn. Chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò) là thế mạnh của địa phương.

Lễ hội thi bò đẹp và chọi bò được tổ chức hằng năm cũng là để tôn vinh những người chăn nuôi giỏi. Để chuẩn bị cho mùa giải lần thứ VII năm 2014, Ban tổ chức lễ hội thi bò đẹp và chọi bò huyện Bảo Lâm đã lên kế hoạch. Theo dự kiến sẽ có 24 cặp bò mẹ con đẹp và 60 con bò chọi (tăng gần gấp đôi năm 2013) ở 2 hạng A và B (A từ 420kg trở lên, B từ 350 -419kg) được tuyển chọn từ vòng thi cấp xóm, xã trước khi về tham gia cấp huyện.

Bò chọi sẽ chia cặp đấu loại trực tiếp, con thắng vào tiếp vòng trong. Tổng giá trị giải thưởng dự kiến hơn 53 triệu đồng, trong đó vô địch hạng A: 15 triệu đồng, hạng B: 8 triệu đồng, nhất bò mẹ con đẹp 5 triệu đồng. Theo ông Lưu Ngọc Hữu – Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Bảo Lâm thì những chủ bò tham dự lễ hội cũng sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ 400 - 500 -700 nghìn đồng tùy theo địa bàn xa gần.

Nhớ lại những năm trước ông Hữu cho hay, điểm thi bò xuân ở thị trấn Pác Miầu mỗi lần tổ chức giống như phiên chợ lớn, dàn bò màu đen, màu vàng xếp hàng đều tăm tắp, dòng người người đổ về khăn áo sặc sỡ sắc màu. Nhà nào có bò đi thi thì cả gia đình đi theo, bản nào có bò đi thi cả bản đi cổ vũ. Bò đoạt giải sẽ giữ lại để tiếp tục cày bừa, nhân giống.

Giải được ấn định thời gian từ 19- 20 tháng Giêng, những trận đấu luôn diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn, không chỉ có người dân ở Bảo Lâm mà hàng vạn người dân các huyện ở Cao Bằng, Hà Giang cũng vượt hàng trăm km tìm về thưởng thức. Theo lời của những người dân địa phương nếu có dịp về đây thưởng ngoạn hội thi bò, có lẽ mới cảm nhận được cái đặc sắc, thú vị của nó. Những tiếng hò reo vang dội theo từng miếng đánh, sau trận đấu là những nụ cười rạng rỡ và chén rượu ngô rót uống quay vòng. Cuộc gặp gỡ tự tình trước khi bước vào vụ mùa mới.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem