Hoàng Thành An
Thứ sáu, ngày 30/04/2021 06:04 AM (GMT+7)
Tất cả người dân đang trông chờ những quyết sách lớn sẽ được Quốc hội và HĐND thông qua cũng như trông chờ vào những gương mặt mà Quốc hội và HĐND bầu ra, đủ tầm, đủ tài, đủ đức để có thể đưa đất nước “cất cánh”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ngày hội lớn của toàn dân, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu tiêu biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
Ghi nhận của PV NTNN cho thấy, công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm lỳ 2021-2026 trên các địa phương của cả nước đang diễn ra hết sức khẩn trương để hoàn thành các công việc chuẩn bị cho "ngày hội của non sông".
Các pano tuyên truyền về bầu cử được đặt trên đường phố tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: N.Q
"Qua các hội nghị hiệp thương, những ứng cử viên được lựa chọn đều thể hiện là người tiêu biểu, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, được cử tri tín nhiệm. Cử tri cũng sẽ xem xét một cách toàn diện, tìm hiểu cả quá trình công tác, cống hiến của các ứng cử viên để lựa chọn người xứng đáng nhất".
Ông Nguyễn Sách Thực
Đơn cử, tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TP.Hà Nội được triển khai bảo đảm tiến độ, kế hoạch. Hiện nay, các địa phương của thành phố đang tập trung tổ chức những hoạt động sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử. Việc niêm yết danh sách cử tri đã được hoàn thành. Các hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã thống nhất thông qua danh sách 36 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV...
Pano bầu cử đặt tại nhiều vị trí tập trung đông dân cư và khách du lịch tại Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: N.Q
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho những người ứng cử; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
ĐBQH Lê Công Nhường (Đoàn Ninh Bình):
Cần thêm tiếng nói của các ĐBQH nữ
Trong khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội nữ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động chung của Quốc hội. Tôi hy vọng cuộc bầu cử vào ngày 23/5 tới đây thực sự là ngày hội của nhân dân. Thông qua những lá phiếu, nhân dân sẽ lựa chọn được 500 đại biểu xứng đáng với mong đợi của người dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, tôi mong muốn thông qua những lá phiếu, cử tri và người dân sẽ lựa chọn được những đại biểu nữ xứng đáng để vào Quốc hội, phản ánh và truyền đạt tiếng nói của họ đến Quốc hội. Cùng với đó, những nữ đại biểu được chọn tới đây sẽ phát huy những thành tựu, sự thành công của các nữ đại biểu từ khóa trước trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Tôi cũng tin tưởng rằng các nữ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy được bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm và có đóng góp xứng đáng vào thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM):
Cảnh giác với thế lực thù địch
Những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến hiện nay là xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng. Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Các thế lực thù địch đang coi mạng xã hội là "mặt trận" chống phá chính hiện nay, đặc biệt là về tư tưởng, nhận thức. Đồng thời chúng có nhiều công cụ tiện ích từ không gian mạng để phát tán thông tin xấu độc nên việc ngăn chặn gỡ bỏ, giảm thiểu tác hại gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Hoàng Thành (ghi)
Đồng thời, tiếp tục nắm và định hướng dư luận nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cử tri tham gia cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với chính quyền và Ủy ban Bầu cử cùng cấp chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết, bảo đảm dân chủ, đúng luật, tiết kiệm, an toàn trong ngày bầu cử, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ông Nguyễn Anh Cường - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quận Đống Đa cho biết: Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5), là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của quận nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, có trình độ, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. "Chính vì vậy công tác chuẩn bị cho bầu cử được ban lãnh đạo và cả hệ thống chính trị quận vào cuộc triển khai, bảo đảm chu đáo, an toàn, đúng tiến độ, đúng luật, dân chủ, trang trọng, tiết kiệm, ngày bầu cử sẽ thực sự là ngày hội của toàn dân"- ông Cường nói.
"Cần, kiệm, liêm, chính" - tiêu chuẩn cần và đủ
Liên quan đến công tác bầu cử, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, một trong những yêu cầu được đặt ra tại kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 là phải giới thiệu, lựa chọn, bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
"Để trở thành người đại biểu trong cơ quan quyền lực cao nhất ở T.Ư và địa phương, trước hết mỗi ứng cử viên (người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử), phải tôn trọng các tiêu chuẩn được quy định trong các văn bản pháp luật, đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức", ông Túc nói và cho rằng, các tiêu chuẩn đại biểu đã được thể hiện rõ Hướng dẫn 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí,... là tiêu chuẩn đặc biệt của đại biểu nhân dân.
"Các tiêu chuẩn đều rất quan trọng, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Tiêu chuẩn đó rất cần lưu ý, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi những mặt trái của cơ chế thị trường đang hiện hữu, tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền đã giảm nhưng chưa được triệt tiêu hẳn. Do đó, nhấn mạnh đến tiêu chí này để thực sự chọn được người có tâm, có tầm, có đức. Và kiên quyết không giới thiệu ứng cử những người không xứng đáng, sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…"- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sách Thực- Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, mục tiêu của chúng ta là xây dựng đất nước cường thịnh, vì vậy, người đại biểu của nhân dân ở Quốc hội, ở HĐND các cấp cũng phải có khát vọng vươn lên. Bên cạnh đó, ứng cử viên phải đáp ứng được các điều kiện về trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, khả năng nắm bắt tình hình, phân tích vấn đề. Cùng đó là khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có mối quan hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân. Ứng cử viên cũng cần thể hiện bản lĩnh, tức là phải dám nói, dám làm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hãy để cử tri lựa chọn đại biểu xứng đáng nhất
Liên quan đến công tác bầu cử ĐBQH và đại điểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đại biểu quyết định chất lượng của Quốc hội, HĐND trong một nhiệm kỳ dài 5 năm. Chính vì vậy, hãy để người dân phát huy quyền làm chủ, lựa chọn ra người đại biểu xứng đáng nhất. Muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội phải có những đại biểu chất lượng; ĐBQH là trung tâm của Quốc hội. Chính vì thế, muốn nâng cao năng lực giám sát, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền thì phải tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Ông Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Vận động bầu cử phải thật dân chủ
Để cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, việc vận động bầu cử phải được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Việc người nào đó tặng quà, làm từ thiện, vận động bỏ phiếu cho mình mà không bỏ phiếu cho người khác là không nên và không được phép. Do đó, tùy theo từng cử tri để họ nhận thức, có ý thức chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng. Việc công khai tài sản, bằng cấp sẽ giúp cử tri, nhân dân dễ phát hiện gian lận. Khi công khai tài sản, công khai bằng cấp và công khai các yếu tố về nhân thân sẽ giúp cử tri giám sát, lựa chọn bầu ra những người xứng đáng nhất.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Chắt lọc những ứng viên xứng đáng
Cử tri lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình vào cơ quan dân cử không chỉ trong ngày bỏ phiếu mà cần bắt đầu từ chính trong hội nghị lấy ý kiến cử tri. Những đánh giá nhận xét khách quan, có lý, có tình, mang tính xây dựng là cơ sở quan trọng để chắt lọc những ứng cử viên xứng đáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.