Chọn Quốc phục vẫn "chín người mười ý"

Thứ bảy, ngày 22/12/2012 09:57 AM (GMT+7)
Dân Việt - Ngày 21.12, câu chuyện về Quốc phục lại được xới lên trong hội thảo “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn”. Tuy nhiên, cuối cùng thì mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ vì tình trạng “chín người mười ý”.
Bình luận 0

Trên thế giới, lễ phục của một số quốc gia đã góp phần đáng kể thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn và các nghi thức ngoại giao, lễ phục đã và đang khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc.

Ở Việt Nam, từ trước tới nay, nhiều người vẫn xem áo dài là Quốc phục, thế nhưng vẫn chưa có một văn bản nào công nhận điều này. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều hội thảo để chọn Quốc phục Việt Nam, thế nhưng lần nào đưa ra vấn đề cũng chỉ là để tranh luận, còn quyết định quan trọng nhất vẫn chưa có.

img
Áo dài vẫn chưa được công nhận là Quốc phục

Nhiều đại biểu đã có tham luận tại hội thảo như họa sĩ Đoàn Thị Tình, nhà văn Hoàng Quốc Hải, GS Hoàng Chương, GS Phan Đăng Nhật... Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - người đã từng tham gia Hội đồng xét chọn Quốc phục Việt Nam mấy lần trước cho biết kết quả không chọn được mẫu nào là bởi vẫn “chín người mười ý”. Theo ông, phần lớn các mẫu đối với nữ sử dụng áo dài, khăn xếp hiện nay vẫn đang được sử dụng trong lễ cưới hoặc trong biểu diễn văn nghệ, còn trang phục của nam thì hướng về áo dài khăn đóng theo kiểu cổ, có cảm giác không còn phù hợp với cuộc sống mới của thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng chọn Quốc phục cần đồng bộ giữa trang phục nam và nữ, tìm ra quy cách nhất định để vừa có phong cách, vừa sang trọng, thuận lợi cho sử dụng và mang đậm nét Việt Nam. Theo đó, với trang phục nữ thì không quá khó vì đã có áo dài rất quen thuộc, còn Quốc phục dành cho nam giới nên hướng về bộ complet để nghiên cứu và thiết kế - ông Chương nói. Cũng có ý kiến gợi ý về Quốc phục nam nên chăng cải tiến từ mẫu khăn đóng áo dài nam truyền thống, hoặc cải tiến bộ Tôn Trung Sơn…

Về vấn đề này, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng các mẫu trang phục truyền thống tiêu biểu qua các thời kỳ, mẫu trang phục các nhà lãnh đạo đã mặc trong dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN, lễ hội Đền Hùng hay bộ áo dài the khăn đóng truyền thống... là một hướng suy nghĩ hợp lý.

Theo ông, ngày nay nếu mong muốn tìm ra một bộ Quốc phục mới cho cả dân tộc Việt Nam quả là điều không tưởng. Hoặc bắt mọi người trở về cách ăn vận theo lối Quốc phục truyền thống cũng không ổn. Việc nghiên cứu để hoàn thiện mẫu mã bộ lễ phục là cần thiết, song nó phải dựa trên cái nền của Quốc phục Việt Nam, mọi toan tính thoát ly y phục truyền thống để chế tác lễ phục là điều không tưởng và tự đánh mất bản thân.

Trải qua khá nhiều hội thảo, quyết định chọn Quốc phục đến nay vẫn đang bỏ ngỏ dù ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng đây là việc rất cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem