Chống bữa ăn bẩn!

Thứ bảy, ngày 19/01/2013 19:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, sẽ có hiệu lực từ ngày 20.1. Nếu như thông tư này được thực hiện nghiêm ngặt thì các gánh hàng, quầy hàng bán thực phẩm rong trên phố, chính thức bị “khai tử”.
Bình luận 0

Nhiệm vụ bất khả thi

Hầu như những người bán hàng rong đều ngơ ngác khi nghe hỏi về Thông tư 30. Tuy nhiên, sau khi được nêu các “đầu mục” phải thực hiện, những người bán hàng thực phẩm trên phố đều lắc đầu, “bó tay”.

img
Liệu tới đây các gánh hàng ăn bán rong có bị cấm?

Bà Nguyễn Thị Hòa từ Hà Nam lên Hà Nội đã được 3 năm, vốn ít nên bà thường mua khoai, sắn, củ dong về luộc rồi cho vào gánh, quẩy trên phố bán rong. Có lúc bà còn làm cơm nắm, giã muối vừng bán kèm. Khi được hỏi về “chứng nhận nguồn gốc hàng hóa”, bà Hòa ngơ ngác: “Khoai sắn mua ở chợ, lấy đâu ra “nguồn gốc”.

Còn cơm nắm cũng tự làm, biết xin đâu được “chứng nhận”. Bà cũng cho biết, vì ít tiền nên lâu nay bà không đi khám sức khỏe. Thỉnh thoảng bà vẫn thường, ho sốt, nhưng chỉ uống vài viên thuốc cảm mạo, đỡ bệnh lại đi bán hàng.

Còn bà Đấu, bán trà đá ở vỉa hè trước cổng chùa Quán Sứ đã hơn chục năm cũng cho biết, đá bà mua ở cửa hàng quen, cũng không rõ cơ sở sản xuất đó có đủ nguồn gốc xuất xứ hay không. Nước đá chủ yếu làm bằng nước máy, nước giếng. Trong khi đó, Thông tư yêu cầu nước đá phải đúng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” mà bà lần đầu tiên nghe thấy.

Còn chị Lê Thu Mị (45 tuổi, Phú Thọ) đang bán bún đậu mắm tôm trên phố Quán Thánh chia sẻ, bún, đậu chị đều mua ở chợ, không có giấy chứng nhận. Hơn nữa, đi đường bán rong, gặp khách đâu thì “ngả mâm” đấy, cũng không thể tự chọn “vị trí sạch đẹp” được.

Bún đậu mắm tôm chỉ nằm trong 2 bên quang gánh, đặt trực tiếp dưới đất. “Bàn” ăn cũng chỉ đặt trên ghế cao khoảng 20cm trong khi đó Thông tư 30 quy định “bàn ghế bày đồ ăn thức uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm”.

“Không có vốn thuê cửa hàng, mọi thứ chất lên vai nên không thể quẩy theo bàn ghế đúng quy định được” – chị Mị cho biết. Theo cảm quan của phóng viên, với chục cái bát và chục đĩa, bán cho vài chục khách hàng, với một xô nước xin tạm ở gần đó, chị Mị cũng khó có thể rửa bát sạch sẽ, đúng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” được. ...

Còn theo bà nội trợ Đào Thị Nga (Lê Quý Đôn, Hà Nội), Thông tư 30 đưa ra các quy định “siết chặt” các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là chỉ nắm phần ngọn và chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Một cơ sở sản xuất bún, đậu hay mắm tôm đâu chỉ bán cho mình bà bán bún đậu mà còn hàng trăm người bán hàng khác và hàng nghìn người tiêu dùng. Nếu 1 cơ sở sản xuất sạch thì sẽ có thêm nhiều người bán hàng sạch. Vì thế, thay vì đuổi theo các bà bán rong thì nên quản lý chặt những cơ sở sản xuất.

Quy định cũ?

Đem những bức xúc của người dân hỏi ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông này cho biết: Thông tư 30 không phải là quy định mới, thực tế trước đây Bộ Y tế đã có những quy định về việc sử dụng găng tay nylon khi tiếp xúc với thực phẩm và bày thực phẩm chín trong tủ kính. Cũng theo ông Trung, trách nhiệm thông báo và tập huấn cho những người kinh doanh thức ăn đường phố thuộc về Sở Y tế địa phương và y tế xã phường. Tuy nhiên, cũng chưa có đánh giá việc thực hiện quy định cũ đến đâu, hay chỉ nặng tuyên truyền, nhẹ xử phạt hoặc tồn tại trên giấy.

Cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm, hè đường phố) phải đảm bảo các điều kiện sau: Để xa cống rãnh và địa điểm ô nhiễm; có phương tiện bảo quản, che chắn thức ăn, chống bụi, côn trùng; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; nước chế biến thực phẩm, pha chế đồ uống cho đến nước sơ chế, nước vệ sinh dụng cụ, rửa tay và cả nước đá đều phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...
(Trích Thông tư 30)

Còn ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) lại cho biết, đây là Thông tư mới cần thời gian để người kinh doanh hiểu và thực hiện đúng. Hiện Chi cục đã phối hợp với 29 quận, huyện tập huấn, hướng dẫn nội dung Thông tư 30 đến các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Ông Thọ cũng cho biết, quy định này khá chặt chẽ đối với điều kiện kinh doanh, quy định người bán lẻ cũng phải khám sức khỏe nên thời gian tới, nhiều cơ sở kinh doanh hàng ăn nhỏ lẻ, hàng rong sẽ bị thu hẹp.

Cũng theo ông Thọ, thành phố Hà Nội có gần 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho gần 18.300 cửa hàng. Còn lại gần 6.700 cửa hàng vẫn hoạt động “ngoài vòng pháp luật”. Đó là các cửa hàng có địa chỉ để quản lý, còn hàng nghìn gánh hàng rong khó “có tóc mà túm”.

Một cán bộ y tế phường cho biết, quy định nếu rõ “kiểm tra không quá 4 lần/năm đối với đối tượng kinh doanh đường phố” nhưng có hàng chục nghìn người bán, lại đi khắp nơi, chẳng có đủ lực lượng chạy theo các gánh hàng rong để kiểm tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem