Đến xây nhà, dựng vợ, gả chồng cho con đều một tay tôi lo liệu. Ông ấy chỉ "phán" rồi bảo: "Em cứ quyết định việc chi tiết. Anh bận lắm". Đến tuổi nghỉ hưu, tôi tưởng như "tìm lại" được chồng, nhưng chồng tôi lại nhanh chóng xung phong làm tổ trưởng dân phố, cán bộ Mặt trận, tham gia công tác hoà giải... Hồi xưa mới đi đến 7-8 giờ tối, nay đến tận 10 giờ đêm, chẳng có cả thứ Bảy, Chủ nhật. Một mình tôi đơn độc chăm sóc bố mẹ chồng, thu vén gia đình mệt mỏi lắm rồi. Liệu có thể làm gì để thay đổi suy nghĩ của ông ấy. (Nguyễn Thị Hợi - Thành phố Phủ Lý, Hà Nam)
Sở thích tham gia việc xã hội đã hình thành từ rất lâu, nếu không nói là chồng chị đã "nghiện việc". Khó có biện pháp gì "cắt cơn" tức thời được. Có lẽ, chị cũng quá đảm đang, tháo vát nên chồng cũng sinh ỷ lại việc nhà vào vợ. Về nhà, anh ấy chẳng phải động tay động chân việc gì, lớn như xây nhà, bé như đi chợ, nấu cơm đều một tay chị quán xuyến. Bố mẹ chồng do chị phụng dưỡng, con do chị chăm.
Như vậy, chắc chắn, anh ấy không thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm gánh vác, chia sẻ việc gia đình với chị. Không có anh, chị vẫn làm tốt, ở nhà, có khi anh ấy còn cảm thấy mình "vô giá trị", như người thừa, dẫn đến buồn chán, vô vị. Trong khi đó, ra ngoài xã hội, anh ấy tìm được chỗ đứng cho mình, tiếng nói của mình, thấy mình được trọng dụng, có ý nghĩa.
Chị cần phải tâm tình, chia sẻ với anh ấy suy nghĩ về vị trí quan trọng của người chồng, người bố trong gia đình, rằng chị và các con cần sự mạnh mẽ, quyết đoán, tháo vát của anh ấy đến chừng nào. Đồng thời, chị cũng nên giao việc vào tay chồng như mua sắm, sửa chữa những đồ điện gia dụng vì "em không rành về kỹ thuật bằng anh, sợ người ta bắt nạt", rủ chồng đi thăm thú họ hàng, bạn bè với một lý do "mọi người luôn ganh tị với em vì chồng vừa giỏi giang lại khéo giao tiếp"...
Việc nhà, việc chăm sóc bố mẹ đều phải "nhờ vả" ngọt ngào, khéo léo và cụ thể. Nếu chị ngồi yên và hy vọng chồng nhìn ra việc để làm, nghĩ ra lời để nói thì rất khó. Đàn ông nói chung đều nhìn thấy việc vĩ mô, thích tranh luận với nhau về chiến tranh hay việc chinh phục vũ trụ, nhưng lại khó có thể cảm nhận được nỗi buồn của vợ, thấy việc nhà để làm. Họ cũng "hảo ngọt", ưa nịnh và thích được "nhờ" chứ không thích bị yêu cầu, bị ra lệnh, ép buộc.
Tơ Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.