“Ăn” bổ lại hại
Bước qua tuổi 40, anh Lê Văn An (Kiến Xương, Hải Phòng) thấy sức khỏe của mình suy yếu, khả năng phòng the giảm sút. Vì vậy, theo lời quảng cáo “bổ thận, tráng dương”, “tăng cường bản lĩnh đàn ông”, anh An mua mấy chục hộp “Thận lực phiến” để uống. Ban đầu anh cũng thấy năng lực “giao ban” của mình cải thiện, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì “điện nước” phập phù.
Người dân không nên tin vào các lời quảng cáo “chữa bách bệnh” của thực phẩm chức năng (ảnh minh họa). Ảnh: D.L
Gần đây, anh giật mình khi nghe tin Sở Y tế Hải Phòng cho xét nghiệm thuốc “Thận lực phiến”, phát hiện TPCN này có chứa hoạt chất sildenafil, với hàm lượng 18,18mg/viên. Đây là hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương ở nam giới và không được phép có trong thành phần của sản phẩm TPCN do những nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Dược phẩm Khang Đạt (công ty sản xuất) không đăng ký thành phần này vào bản công bố về an toàn thực phẩm theo quy định.
Trong tháng 10, TPCN Happygra do Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Tinh Tấn (quận Tân Bình, TP. HCM) cũng được phát hiện có hoạt chất sildenafil. TPCN này được quảng cáo là giúp các quý ông nở nang “súng ống”, tăng cường khả năng và thời gian “lâm trận”.
Theo bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 6 mẫu TPCN mà cơ quan này xét nghiệm trong năm 2014 đã phát hiện 2 mẫu chứa chất cấm vardenafil. Đây cũng là chất cùng nhóm và tính chất kích dục như chất sidenafil của thuốc Viagra.
Coi chừng “bổ ngửa”
"Nếu quý ông nào thấy sức “chiến đấu” của mình giảm sút thì nên đi khám sức khỏe để biết tình trạng bệnh của mình, được bác sĩ điều trị, kê đơn đúng bệnh, đúng thuốc. Không nên tùy tiện sử dụng TPCN nếu chưa biết đúng nguyên nhân và tình trạng “yếu” của mình” .
Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ
|
Theo bác sĩ Trịnh Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), sildenafil và vardenafil là 2 hoạt chất có trong các thuốc điều trị rối loạn cương dương là Viagra (sildenafil) và Levitra (vardenafil). “Đã là thuốc thì chỉ dùng để điều trị cho bệnh nhân, phải được bác sĩ chỉ định điều trị dựa trên tình trạng bệnh chứ không thể sử dụng tùy tiện” – bác sĩ Giang cho biết. Theo bác sĩ Giang, các thuốc điều trị rối loạn cương dương có khả năng gây ra tác dụng phụ. Nhẹ thì chóng mặt nhức đầu, tăng giảm huyết áp, tăng nhịp tim. Nếu nặng có thể suy thận, suy gan.
TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng cho biết, về cơ bản, các thuốc này nhằm giãn mạch máu, tăng lượng máu đổ về “thằng nhỏ” để duy trì độ cương cứng. Do tác động lên mạch máu nên có tác động rất lớn đối với sức khỏe con người, nhất là người trung niên, cao tuổi, người có tiền sử huyết áp cao. Nếu dùng sản phẩm có chất tương tự như Viagra có thể gây cương cứng kéo dài, “lên” mà không “xuống” được. Nếu quá lâu có thể gây hoại tử “súng”. Đã có trường hợp phải cắt bỏ “cả cụm” chỉ vì dùng thuốc Viagra quá liều.
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, năm 2015, Cục đã tiến hành xử phạt hơn 200 công ty có quảng cáo thổi phồng chức năng của sản phẩm TPCN, trong đó có nhiều sản phẩm bổ thận, tráng dương nhằm đánh vào tâm lý thích khỏe, thích phong độ của các quý ông. Ông Phong khuyến cáo, TPCN chỉ hỗ trợ sức khỏe, còn người dân bị bệnh thì nên đi khám để bác sĩ kê đơn, bốc thuốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.