Chủ cơ sở tiết lộ quy trình tạo ra những chiếc két bạc nổi tiếng khắp Hà Nội

Thanh Tâm Thứ sáu, ngày 10/03/2023 06:26 AM (GMT+7)
Mỗi ngày, tại thôn Đại Tự (Hoài Đức, Hà Nội) có hàng nghìn két bạc, tủ hồ sơ được hoàn thiện xuất bán ra thị trường miền Bắc và miền Trung...
Bình luận 0


Thợ chế tạo ra két bạc ở thôn Đại Tự. Thực hiện: Thanh Tâm.

Người đưa nghề làm két bạc về làng

Nếu có dịp đến thôn Đại Tự, nhiều người sẽ ấn tượng bởi những dãy nhà xưởng sản xuất nằm san sát nhau, ô tô, xe máy tấp nập ra vào thôn. Tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều cơ sở sản xuất két bạc, tạo công ăn việc làm cho vài trăm lao động.

Chủ cơ sở tiết lộ quy trình tạo ra những chiếc két bạc nổi tiếng khắp Hà Nội - Ảnh 2.

Đường vào thôn Đại Tự. Ảnh: Thanh Tâm.

Năm 1998, sau khi học được nghề làm két bạc, ông Đỗ Văn Bản ở làng làng Đại Tự quyết định đưa nghề  này về quê, nhận người ở thôn vào làm, rồi dạy nghề cho họ. Cũng kể từ đó đến nay, ông Bản đã dạy nghề làm két bạc cho hàng trăm người dân ở thôn Đại Tự, theo cách vừa học, vừa làm. 

Khi học nghề ở xưởng của ông, công nhân được trả lương từ 2-5 triệu đồng/tháng tùy theo công việc, sức lao động. Sau khi thạo nghề, ai tiếp tục làm tại xưởng sẽ được trả lương cao hơn, còn có điều kiện họ tách ra mở xưởng riêng. 

Ông Nguyễn Bá Thìn (70 tuổi), ở làng Đại Tự, người có nhiều năm kinh nghiệm về nghề chế tác két bạc kể rằng, thời điểm hơn chục năm về trước nghề làm két bạc còn "đói" do ít người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế phát triển, không chỉ có các doanh nghiệp mà hầu như nhà nào cũng sắm két sắt để cất giữ, bảo vệ tài sản. Nhờ đó mà nghề làm két bạc có "đất" để sinh sôi và phát triển hơn nữa.

Chủ cơ sở tiết lộ quy trình tạo ra những chiếc két bạc nổi tiếng khắp Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bá Thìn, ở làng Đại Tự, người có nhiều năm kinh nghiệm về nghề chế tác két bạc. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Thìn cũng là người thường xuyên chia sẻ, kinh nghiệm, dạy nghề cho người dân. "Tôi không sợ khi dạy nghề cho ai đó mình sẽ mất khách, tôi chỉ sợ tay nghề của các thợ khác non, làm sai, làm hỏng sẽ giảm mất uy tín của nghề này. Tôi luôn mong rằng, có nhiều xưởng chất lượng cao, uy tín, đưa danh tiếng két bạc Đại Tự ra khắp cả nước", ông Thìn chia sẻ.

Tỉ mỉ trong từng công đoạn chế tạo két bạc

Thôn Đại Tự có khoảng 500 khẩu. Hiện nay tại thôn có hơn 40 hộ mở xưởng sản xuất két bạc, tủ hồ sơ, tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 200 lao động tại thôn và các vùng lân cận, với thu nhập 2-4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, tại thôn Đại Tự có hàng nghìn két bạc, tủ hồ sơ được hoàn thiện xuất bán ra thị trường miền Bắc và miền Trung.

Chủ cơ sở tiết lộ quy trình tạo ra những chiếc két bạc nổi tiếng khắp Hà Nội - Ảnh 4.

Các xưởng sản xuất két bạc ở thôn Đại Tự. Ảnh: Thanh Tâm.

Theo ông Thìn, mỗi chiếc két bạc ra đời là cả một sự cố gắng, tỉ mỉ, hợp tác của nhiều công nhân, một người khó có thể làm ra được một chiếc két hoàn chỉnh. Công đoạn đầu tiên là chọn tôn sau đó làm sạch để dập khuôn và mang đi đúc.

"Việc gò và cho bột chống cháy, bê tông vào nhằm tăng độ chắc chắn cho két cũng là một trong những khâu quan trọng và người thợ hay gọi đây là bước tạo nên chất lượng của chiếc két. Việc này, đòi hỏi thợ phải tỉ mỉ, có kinh nghiệm mới cho ra đời những sản phẩm tốt", ông Thìn bộc bạch.

Sau khi bê tông khô, thợ sẽ mài, làm sạch, bả matit, phun sơn. Và cuối cùng là công đoạn lắp cánh, dán tem, mác, hoàn thiện sản phẩm. Một buổi sáng, mỗi xưởng có thể sản xuất được 10-20 chiếc két. Sản phẩm được làm theo dây chuyền nên mỗi người thợ đảm nhận một công đoạn khác nhau. Giá két phụ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của khách, dao động từ 1 triệu đến 5 triệu đồng/1 một chiếc.

Chủ cơ sở tiết lộ quy trình tạo ra những chiếc két bạc nổi tiếng khắp Hà Nội - Ảnh 5.

Sản phẩm két bạc được bày bán trên thị trường.

Ông Nguyễn Bá Dũng, một thợ làm két bạc cho hay, từ khi làm nghề két bạc, người dân giàu lên trông thấy, cuộc sống dư giả, ổn định, trẻ con được đi học hành tử tế. Cũng nhờ đó mà thanh niên không còn tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội giảm hơn hẳn.

Đối với những người dân nơi đây, khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là chưa có điểm sản xuất tập trung, thiếu mặt bằng, nên việc mở rộng quy mô sản xuất không thuận lợi. Người dân rất mong chính quyền địa phương sớm quy hoạch khu làng nghề để giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho két bạc Đại Tự ngày càng phát triển và có chỗ đứng hơn nữa trên thị trường.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem