Chủ động lợn nái, các "ông lớn" bán hàng nghìn con lợn/ngày
Chủ động đàn lợn nái, các "ông lớn" bán hàng nghìn con lợn mỗi ngày
Mạnh Hùng – Thiên Hương
Thứ tư, ngày 12/05/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo Cục Chăn nuôi, đến hết quý I/2021, tổng đàn lợn cả nước đã tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Có được kết quả này là nhờ các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các trang trại, doanh nghiệp tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, trong đó có việc ưu tiên phát triển đàn lợn nái.
"Thủ phủ" nuôi lợn miền Bắc tái đàn hiệu quả
Theo Sở NNPTNT Hà Nam, hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt 35.000 con, tăng 5.000 con so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng nuôi trong nông hộ khoảng 15.000 lợn nái, chiếm gần 40% tổng đàn. Với tổng đàn nái này, tỉnh Hà Nam không chỉ đáp ứng đủ lợn giống cung cấp nhu cầu phát triển chăn nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp con giống cho bà con chăn nuôi ở các tỉnh lân cận.
Tại xã Văn Xá (huyện Kim Bảng), đàn lợn những năm gần đây vẫn được duy trì phát triển tốt, dao động từ 7.000 - 10.000 con. Trong đó, có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 200 - 300 con lợn trở lên, có trang trại hơn 1.000 con.
Điều đặc biệt là trên 50% số hộ chăn nuôi lợn của xã có lợn nái, với tổng số lợn nái khoảng 800 con, chiếm hơn 10% tổng đàn. Do đó ít khi các hộ này phải nhập thêm lợn giống từ bên ngoài.
Nhờ chăn nuôi theo quy trình khép kín từ nuôi lợn nái sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt mà các trang trại này thu được hiệu quả kinh tế cao, thậm chí có lúc còn thừa lợn giống bán ra.
Năm 2021 ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng đạt khoảng 5,5 - 6%. Sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, trong đó: Thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 547,3 nghìn tấn (tăng 7,9%).
Ví dụ tại trang trại của anh Nguyễn Công Trung Nhận hiện nuôi 1.300 con lợn thịt và 200 con lợn nái. Với đàn nái này, trang trại của anh không bị ảnh hưởng bởi giá lợn giống tăng cao ngoài thị trường.
Anh Nhận cho biết, đây là yếu tố quan trọng giúp các trang trại khôi phục nhanh sau dịch tả lợn châu Phi, đồng thời chống chọi được với những thời điểm giá lợn thịt xuống quá thấp.
Tương tự, tại huyện Lý Nhân, sau "khủng hoảng" dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi lợn tiếp tục được bà con duy trì và phát triển. Hiện đàn lợn nái của huyện có khoảng 14.000 con, chiếm gần 40% tổng đàn lợn nái của Hà Nam, trong đó những vùng chăn nuôi lợn trọng điểm đều có đàn lợn nái lớn, như: Xã Chân Lý 1.722 con, xã Chính Lý 1.469 con, xã Văn Lý 1.446 con...
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản Hà Nam, việc duy trì và phát triển được đàn lợn nái đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn, giúp người chăn nuôi giảm chi phí về con giống, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Trần Quang Sang - Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam cho biết, việc tự sản xuất con giống giúp người chăn nuôi lợn tái đàn nhanh hơn các hộ phải đi mua. Nếu phải mua lợn giống, các hộ sẽ phải chi phí từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, chiếm 30% giá thành sản phẩm lợn thịt.
Với giá lợn giống cao như vậy, rủi ro đối với người chăn nuôi rất lớn, bởi khi đạt trọng lượng xuất chuồng, gặp đúng lúc giá lợn hơi xuống thấp thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Nhưng khi thực hiện chăn nuôi khép kín, bà con sẽ giảm được 50% tiền giống, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giống đầu vào.
Tái đàn nhanh, giá lợn hơi giảm
Theo Cục Chăn nuôi, đến hết quý I/2021, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tại 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt chiếm 5,5 triệu con, tăng 73,6% so với trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tăng 1,8% so với cuối tháng 12/2020.
Hiện tổng đàn lợn nái của cả nước hơn 2,95 triệu con, tăng hơn 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cả nước có hơn 56.000 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái phục vụ giống cho sản xuất.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi trên thị trường liên tục giảm nhẹ, hiện dao động phổ biến từ 71.000 - 73.000 đồng/kg. Trong đó, tại miền Nam dao động từ 72.000 - 73.000 đồng/kg, miền Trung từ 71.000 - 73.000 đồng/kg và miền Bắc thấp hơn, từ 71.000 - 72.000 đồng/kg.
Ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho biết, có hai lý do khiến giá lợn hơi đang trên chiều hướng giảm, cho dù giá thức ăn chăn nuôi tăng. Thứ nhất là nhu cầu tiêu thụ giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Thứ hai, tỷ lệ tái đàn thành công tại các trang trại tăng, cả ở trong trại của dân lẫn trong các doanh nghiệp lớn. Hiện trung bình mỗi ngày, C.P Việt Nam đưa ra thị trường khoảng 18.000 con lợn thịt, cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 2.000 con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.