Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Bạo lực học đường không chỉ "động chân, động tay"

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 30/10/2023 14:05 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định, bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề "động chân, động tay" mà còn bạo lực cả về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm nhau.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, một số vụ bạo lực học đường thu hút quan tâm của dư luận như vụ nữ sinh lớp 9 (ở Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị 5 bạn cùng trường đánh nhiều lần, quay clip, chia sẻ trên mạng xã hội hay nam sinh ở Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị nhóm bạn hành hung đến mức sang chấn tâm lý, phải nhập viện.

Sáng 30/10, bên lề kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ ý kiến về tình trạng bạo lực học đường. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận định từ trước đến nay, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra nhưng gần đây, một số vụ việc mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, bạo lực học đường xưa nay vẫn có, nhưng gần đây mức độ và tính chất đáng lo ngại.

"Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề "động chân, động tay" mà còn bạo lực cả về tinh thần, tức là xúc phạm nhân phẩm nhau. Đáng lo ngại là học sinh, bè bạn lại chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực", ông Vinh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Bạo lực học đường rất đáng lo ngại - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song theo ông Vinh, điều đáng nói trong bối cảnh hiện nay là một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội.

Hiện nay, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước. Trên mạng internet có những thông tin tiêu cực. trẻ em rất dễ học theo.

Ông nhấn mạnh để xử lý tình trạng này, cần kiên trì, cương quyết bày tỏ thái độ không đồng tình với bạo lực.

"Phải làm sao để xây dựng "sức đề kháng" cho các em bằng việc định hướng học sinh tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực, giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu", ông Vinh nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, từ chủ trương đến hành động đòi hỏi rất kiên trì, bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Ngoài thời gian ở nhà nhận sự giáo dục của bố mẹ, ông bà, phần lớn trẻ hiện nay nhận sự giáo dục của nhà trường. Do đó, việc hình thành văn hóa học đường cho học sinh là giải pháp lâu dài để giảm bớt bạo lực học đường. Tuy nhiên, việc này cần làm lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều để có thể nhìn thấy kết quả ngay. Quan trọng nhất, thầy cô, bố mẹ cần làm gương cho trẻ, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế.

Theo ông Vinh, việc xây nền rất quan trọng, phải đưa vào từng tiết học, môn học, từ gia đình tới nhà trường. Điều này giúp các em hình thành mối quan hệ xã hội giữa người với người biết thương yêu, tôn trọng nhau, khi đó bạo lực sẽ giảm đi.

Ông khẳng định, nội hàm của môn học rất quan trọng, trước đây có bài "Hai con dê qua cầu". Từ chuyện nhỏ giải thích cho các em, hai con dê qua cầu nếu nhường nhịn thì sẽ mang đến sự tích cực thế nào, không nhường nhịn thì sẽ ra sao.

Bài học đó được áp dụng khi tham gia giao thông, khi tắc đường mỗi người nhường nhịn nhau một chút thì tốt thế nào, không nhường thì sẽ ra sao. Đấy chỉ là một trong nhiều bài học để học sinh có thể học được trong sách.

Nội dung bài học trong sách cố gắng thiết kế khoa học để học sinh tự cảm nhận được cái gì là tốt để dần hình thành nhân cách của các em.

"Tôi nhấn mạnh lại, làm sao xây dựng cho các em "sức đề kháng", tự phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó các em sẽ hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem