Quảng Trị: Tham gia bạo lực học đường hầu hết là nữ sinh

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 19/07/2023 14:48 PM (GMT+7)
Tư lệnh ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị cho biết, đối tượng tham gia bạo lực học đường hiện nay hầu hết là nữ sinh, đây là điểm khác biệt rất lớn so với thời gian trước.
Bình luận 0

Ngày 19/7, tại kỳ họp thứ 18, Khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 HĐND tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, bước ra từ 2 năm đại dịch Covid-19, năm học 2022-2023 được xác định là rất khó khăn. Tuy nhiên, học sinh Quảng Trị đã nỗ lực vượt khó, kết quả tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 96,41% (cao hơn 2% so với năm 2022), điểm trung bình 6,23, cao hơn so với năm 2022 (5,97 điểm).

Quảng Trị: Tham gia bạo lực học đường hầu hết là nữ sinh - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương mong rằng, hệ thống chính trị, cơ quan đoàn thể, xã hội, đặc biệt là gia đình quan tâm hơn nữa đến con em mình, đồng thời phối hợp với ngành giáo dục để công tác dạy và học, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả hơn. Ảnh: Trần Tuyền.

Cơ sở vật chất còn nhiều bất cập, thiếu thốn. Một số môn học như giáo dục liên môn, tin học, ngoại ngữ thiếu giáo viên giảng dạy, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

Khép lại năm học 2022-2023, chất lượng đại trà được duy trì, chất lượng mũi nhọn nâng cao so với những năm gần đây. Cụ thể, năm 2023 Quảng Trị có 50 học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia thì có 34 em đạt giải. Xếp hạng giáo dục của Quảng Trị đứng thứ 50, tăng 3 bậc so với năm 2022.

Tuy vậy, ngành giáo dục Quảng Trị vẫn đối mặt với nhiều khó khăn chưa thể xử lý dứt điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường, gây bức xúc dư luận, trong đó đối tượng tham gia hầu hết là học sinh nữ, đây là điểm khác biệt so với thời gian trước.

Quảng Trị: Tham gia bạo lực học đường hầu hết là nữ sinh - Ảnh 2.

Vụ nữ sinh đánh nhau ở huyện Gio Linh xảy ra vào tháng 4/2023. Ảnh: cắt từ clip.

Hơn nữa, mật độ xảy ra bạo lực học đường ngày càng dày hơn. Tính chất phức tạp hơn, không chỉ dừng lại những vụ đánh nhau đơn lẻ, mà còn có tổ chức, đánh hội đồng, hoặc hành vi tẩy chay, cô lập bạn cùng lớp… Không những thế, clip học sinh đánh nhau còn bị phát tán trên mạng xã hội, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như ý thức tổ chức, nhận thức yếu kém của một bộ phận học sinh, nhà trường chưa làm hết trách nhiệm. Theo tìm hiểu, đa số các em học sinh tham gia bạo lực học đường đều có hoàn cảnh như bố mẹ đi làm xa, ly hôn, giao con em lại cho người thân trông nom nên sự quản lý, giáo dục còn lỏng lẻo.

Quảng Trị: Tham gia bạo lực học đường hầu hết là nữ sinh - Ảnh 3.

Cũng trong tháng 4/2023, một nam sinh ở huyện Đakrông đã dùng dao đâm chết người ngay trong ngôi trường của mình. Ảnh: CT.

Bà Hương thẳng thắn nhìn nhận, xảy ra bạo lực học đường trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục đào tạo, nhà trường.

Để phòng chống bạo lực học đường, Sở đã chỉ đạo các Phòng GDĐT, trường học phối hợp với nhiều cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là gia đình tăng cường giáo dục, tuyên truyền kỷ cương, pháp luật, nâng cao ý thức, đạo đức học sinh.

Quan trọng hơn hết là giáo viên chủ nhiệm phải làm tốt công tác tư vấn học đường, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tâm lý của học sinh. Chủ động trao đổi thông tin với gia đình và chính quyền địa phương để giáo dục học sinh từ sớm, tránh để các em có hành động tiêu cực, xử lý nghiêm học sinh đánh nhau để làm gương.

"Ngành giáo dục rất mong gia đình, các cơ quan, đoàn thể, toàn xã hội quan tâm, phối hợp hơn nữa để công tác dạy và học, phòng chống bạo lực học đường được tốt hơn. Hơn ai hết, cha mẹ hãy là người bạn đồng hành cùng con em mình để thấu hiểu, xử lý sớm vấn đề tiêu cực", bà Hương chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem