Chủ nợ nức nở đề nghị điều tra, xử lý lãnh đạo Egroup
Chủ nợ đề nghị điều tra, xử lý lãnh đạo Egroup
Vũ Khoa
Thứ sáu, ngày 16/06/2023 19:01 PM (GMT+7)
"Trả nợ ư? Họ có tiền trả hay không?", bà Nguyễn Thị Phương, đại diện cho nhóm nạn nhân đang đang mắc tiền ở Egroup trả lời PV Dân Việt trước câu hỏi đã nhận được tiền trả nợ hay chưa.
Cũng như hàng trăm chủ nợ cùng nhóm, bà Phương nhận được lời hứa hẹn của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Egoup rằng sẽ tái cấu trúc xong và trả nợ vào 31/3 rồi 15/5 nhưng đến thời điểm hiện tại, bà Phương cùng hàng trăm chủ nợ của Egroup vẫn không nhận lại được bất kỳ khoản tiền nào.
Chủ nợ của Egroup bị đe dọa ngược theo kiểu "xã hội đen"
Tròn 1 tháng sau lần hứa hẹn gần nhất của Egroup, ngày 16/6, có 12 người tham gia buổi đối thoại với đại diện Egroup tại hội sở tầng 2, 25T-1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, thành viên của nhóm này đa số là những người cao tuổi. Tại đây, đại diện Egroup muốn gọi "chủ nợ" với các danh từ như "nhà đầu tư, cổ đông". Nhưng ở chiều ngược lại, các ý kiến đều yêu cầu đại diện Egroup gọi họ là "nạn nhân".
Thực tế, đây không phải lần đầu các buổi đối thoại diễn ra. Dù vậy, đại diện Egroup, Phó Tổng giám đốc Trương Tuấn Dũng vẫn khẳng định sẽ chỉ ghi nhận ý kiến từng người và bố trí trao đổi với ban lãnh đạo trong thời gian chậm nhất là ngày 21/6.
"Kế hoạch anh Thủy đưa ra rồi, xin toàn bộ lãi 5 năm, bắt đầu từ năm 2028 trả gốc 10%. Chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi khẳng định rằng không tới đây để xin kế hoạch", ông Vũ Dương Khuê – nạn nhân.
Ghi nhận của PV cho thấy, đa số nạn nhân đều không đồng tình, ngược lại còn rất bức xúc trước cách xử sự cùng những phương án "chữa cháy" mà Egroup đưa ra như gạt nợ bằng thiết bị gia dụng, chia nhỏ khoản nợ và trả dần 1-2 triệu đồng/tháng đối với những cổ đông từ 80 tuổi trở lên.
Giải thích với các nạn nhân, Phó Tổng giám đốc Egroup Trương Tuấn Dũng cho biết, theo hướng dẫn tại Nghị định 08/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2023, các đơn vị phát hành được quyền gặp gỡ, trao đổi với trái chủ để thay đổi hình thức trả nợ. Thay vì việc tiền đổi tiền, thì có thể trả bằng tài sản khác như bất động sản, đồ gia dụng như vừa rồi tập đoàn đã làm. Ông Dũng khẳng định phương án mà Egroup đưa ra là phù hợp quy định của pháp luật.
"Họ cầm tiền của chúng tôi nhưng lại áp đặt, ra điều kiện ép chúng tôi phải theo. Tiền của tôi quá hạn 2 năm nay rồi, bởi vậy nếu thực sự muốn thỏa thuận thì phải dựa trên ý chí của cả hai bên. Dù đang rất bức xúc và không có tiền để sống, tôi cũng không bao giờ chấp nhận cách trả nợ như bố thí thế này", bà Lê Thị Minh Hiền - nạn nhân.
Theo các nạn nhân, trong thời gian nhóm thực hiện biểu tình trước hội sở Egroup, có một số người lạ mặt xúc phạm bằng những ngôn ngữ thô tục, cử chỉ bất lịch sự. "Có lúc chúng tôi vô cớ phải nhận cả lời đe dọa tác động đến sức khỏe, thân thể nếu vẫn tiếp tục đến hội sở của Egroup đòi nợ!?", một nạn nhân chia sẻ với PV Dân Việt. Việc này cũng được phản ánh tới ông Trương Tuấn Dũng, Phó Tổng giám đốc nhưng ông Dũng không có phản ứng. Việc bị đe dọa, xúc phạm từ những người kém cả tuổi con, cháu khiến các nạn nhân phải ghi bổ sung kiến nghị sa thải những đối tượng hành xử theo kiểu "xã hội đen".
Theo biên bản ghi nhận, số tiền Egroup mắc nợ với riêng nhóm nạn nhân có mặt tại buổi đối thoại ngày 16/6 đã lên đến hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, nhiều người chia sẻ vì dính dánh vào Egroup mà lâm vào cảnh mất nhà, vợ chồng ly hôn, con cái ly tán, ôm nợ ngân hàng…
Mất niềm tin, nạn nhân đề nghị xử lý ông chủ Egroup
Chia sẻ với PV, có không ít nạn nhân do đã quá mất lòng tin với khả năng trả nợ của Egroup nên kỳ vọng có sự vào cuộc các cơ quan chức năng nhằm điều tra, xác minh, làm rõ việc có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Được biết, rất nhiều đơn thư đã được gửi tới các cơ quan chức năng để tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy và các thành viên trong tập đoàn Egroup và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, dù thừa nhận là có rất ít khả năng xảy ra - một số "chủ nợ" thắc mắc về việc nếu Egroup có lãnh đạo mới và phục hồi, vậy doanh nghiệp có còn trách nhiệm trả nợ hay không?
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật nhận định, thời gian gần đây, "nở rộ" tình trạng huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư mua cổ phần, trái phiếu, góp vốn… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo Luật doanh nghiệp 2020, cổ phiếu, trái phiếu có thể được phát hành từ loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Cũng theo quy định tại Luật doanh nghiệp thì chế độ chịu trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định như sau:
Đối với công ty cổ phần là chế độ trách nhiệm hữu hạn, công ty sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản công ty. Còn cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ bằng số vốn góp vào công ty.
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên thì thành viên công ty sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của LDN.
Đối với công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Do đó giả sử, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự thì doanh nghiệp vẫn sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của công ty. Người dân vẫn sẽ được trả nợ cho đến khi nào doanh nghiệp hết tài sản.
"Tuy nhiên trước khi thực hiện khởi kiện, người dân nên cân nhắc thoả thuận trước với doanh nghiệp. Bởi lẽ khi lãnh đạo vướng vào kiện tụng giá cổ phần sẽ giảm đi, giá trị công ty sẽ giảm xuống, thiếu sự quản lý chỉ đạo của lãnh đạo các hợp đồng thương mại có thể bị huỷ hoặc chậm trễ khiến công ty phải bồi thường hoặc cũng có thể công ty không trả được nợ ngân hàng đúng hạn, tiền lãi phải trả sẽ tăng lên, tiền nợ lương nhân viên,…Hiểu đơn giản là tài sản doanh nghiệp sẽ ngày càng ít đi", Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Ngoài ra, hậu quả nặng nề nhất khi doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh được nữa là phá sản. Theo luật phá sản 2014, doanh nghiệp bị phá sản được diễn giải là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong 3 tháng kể từ ngày đến hạn phải thanh toán và bị tòa án quyết định tuyên bố phá sản.
Tài sản xử lý để trả nợ cho các chủ nợ khi phá sản là toàn bộ tài sản doanh nghiệp bao gồm tài sản sở hữu, quyền sử dụng tài sản, tiền, khoản phải thu, khoản đầu tư, các khoản góp vốn của chủ sở hữu còn thiếu trong cam kết vốn góp doanh nghiệp.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật phá sản năm 2014 thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản là thanh toán các chi phí phá sản, thanh toán các khoản nợ, liên quan đến người lao động, thanh toán các khoản nợ, nhằm mục đích phục hồi kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, thanh toán các khoản nợ khác.
"Bởi vậy, một phần rủi ro là nếu các nhà đầu tư nếu chưa đến lượt được thanh toán mà tài sản của doanh đã trả hết cho các nghĩa vụ ưu tiên trước thì nhà đầu tư có thể sẽ không được nhận gì nữa", Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.