Chủ rừng khai thác gấp đôi lượng gỗ cho phép

Thứ sáu, ngày 13/07/2012 14:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phát hiện mới nhất của phóng viên NTNN cho thấy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện quy trình ngược và cho phép 2 chủ rừng khai thác rừng tự nhiên vượt gấp đôi khối lượng gỗ được cho phép.
Bình luận 0

Tỉnh áp dụng quy trình ngược

Như NTNN đã thông tin, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, vừa có kết luận về những sai phạm trong hoạt động khai thác và chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương và Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa. Điều tra thêm, chúng tôi thấy, quy trình cấp phép mở cửa rừng, giao chỉ tiêu, số lượng gỗ được khai thác có nhiều điều không đúng quy định…

img
Bãi tập kết gỗ của Công ty Trầm Hương, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo tài liệu chúng tôi có được, tại văn bản ký ngày 7.3.2011, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) chỉ thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa là 7.000m3 (tổng sản lượng khai thác gồm gỗ lớn và gỗ tận dụng là 9.187m3).

Theo văn bản này, chỉ có duy nhất 1 công ty được phép khai thác số lượng gỗ nói trên là Công ty Lâm sản Khánh Hòa. Tuy nhiên, rất lạ là, trước khi Cục Lâm nghiệp có văn bản nói trên 2 tháng, ngày 13.1.2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã ký văn bản giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 cho cả 2 công ty nói trên với tổng cộng 14.000m3 (mỗi đơn vị 7.000m3).

Theo Nghị định số 86/2003 của Chính phủ và Quyết định số 40/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (có hiệu lực thời điểm 2011) thì việc mở cửa rừng khai thác hàng năm thuộc thẩm quyền của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT). UBND tỉnh sở tại chỉ ra quyết định giao chỉ tiêu khai thác mỗi năm cho các chủ rừng theo khối lượng đã được Cục Lâm nghiệp thẩm định. Như vậy, trong việc giao chỉ tiêu khai thác gỗ năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện quy trình ngược và cho phép 2 chủ rừng khai thác rừng tự nhiên vượt gấp đôi khối lượng được cho phép.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho tỉnh, bộ

Để tìm hiểu rõ thêm tình hình, phóng viên đã rất nhiều lần đến đăng ký gặp lãnh đạo Sở NNPTNT nhưng đều bất thành. Tại Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Khánh Hòa, các chuyên viên không thể tìm ra đầy đủ các bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến thủ tục cấp phép mở cửa rừng của 2 doanh nghiệp này các năm 2011 và 2012. Chủ của 2 doanh nghiệp nói trên cũng từ chối tiếp xúc với báo chí vì... bận việc. UBND huyện Khánh Vĩnh, nơi 2 chủ rừng này đóng chân và quản lý trên 84.000ha rừng thì cho biết, chưa bao giờ nhận được báo cáo về kế hoạch, thực tế khai thác rừng trên địa bàn.

Trong văn bản “phản pháo” khá gay gắt của Công ty Trầm Hương đã nhắc đến các Nghị định 29/2011/NĐ-CP, Thông tư 26/2011/TT-BTNMT và Luật Bảo vệ phát triển rừng. Theo những quy định trong các văn bản luật này, Công ty Trầm Hương là đơn vị phải lập báo cáo ĐGTĐMT vì hàng năm thực hiện khai thác rừng tự nhiên đến 7.000m3 là đang thực hiện “dự án có tên gọi khác nhưng có quy mô tương đương".

Trước đó, C49 (Bộ Công an) đã kết luận 2 doanh nghiệp này có nhiều vi phạm về môi trường. Trong đó có việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT), không cam kết bảo vệ môi trường… Theo luật, các vi phạm trên đều sẽ bị phạt rất nặng, cao nhất lên đến 300 triệu đồng/hành vi.

Nhận được kết luận này, ông Bùi Phước Kiệt - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, đã có ngay văn bản “phản pháo” C49.

Theo ông Kiệt, do từ trước đến nay từ cấp Bộ đến UBND tỉnh và các cấp sở ngành chưa hề hướng dẫn doanh nghiệp làm ĐGTĐMT nên không thể cho rằng công ty đã vi phạm việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Và cũng vì chưa được hướng dẫn nên doanh nghiệp sẽ chờ cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới lập báo cáo ĐGTĐMT, cũng như lập kế hoạch khắc phục vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem