Chủ tịch Hà Nội hy vọng 20 năm sau Thủ đô sẽ có 12 đường sắt đô thị
Chủ tịch Hà Nội hy vọng 20 năm sau Thủ đô sẽ có 12 đường sắt đô thị
Bách Thuận
Thứ năm, ngày 07/12/2023 20:10 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chỉ khi giải quyết đồng bộ được giao thông thì Hà Nội mới giải quyết được các vấn đề trật tự đô thị, giao thông đô thị một cách dứt điểm.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND TP.Hà Nội tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng, sâu sát của Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng thời UBND TP.Hà Nội nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các ban HĐND Thành phố, các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND Thành phố, nhất là với 40 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại 5 tổ thảo luận và các ý kiến trao đổi tại hội trường.
Tại kỳ họp này, HĐND TP.Hà Nội đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí thành viên của UBND Thành phố. Qua lấy phiếu tín nhiệm có thể thấy rằng HĐND Thành phố, cử tri Thủ đô mong muốn và kỳ vọng ở các Ủy viên UBND Thành phố nhiều hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị, mong muốn các thành viên UBND Thành phố tiếp tục quyết tâm, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để từng bước đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của các đại biểu cũng như cử tri, nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại mà cử tri và nhân dân còn có ý kiến, kiến nghị ngay tại phiên chất vấn hôm nay, trong đó còn có những việc đã được nhận diện nhiều năm nhưng chưa giải quyết, khắc phục triệt để; nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng được các cấp, các ngành chỉ rõ.
Trong thời gian tới, UBND TP.Hà Nội sẽ tập trung tìm các biện pháp căn cơ hơn để từng bước xử lý các tồn tại nêu ra, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính… để sớm khắc phục các hạn chế.
Năm 2023, Thủ đô Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Hà Nội đã thực hiện 3 việc rất quan trọng là Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; Lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Việc xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch nói trên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa, đồng thời xây dựng thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế về huy động các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được các đại biểu đánh giá rất cao; đã có 117 ý kiến góp ý với tinh thần ủng hộ việc ban hành Luật thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn.
Nhiều đại biểu có ý kiến cần có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội hơn nữa nhằm tạo cơ hội và động lực cho phát triển Thủ đô và theo kế hoạch, Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024.
"Đại biểu thương thì không nhắc đến, nhắc đến thì kỳ nào nói cũng được"
Đề cập đến vấn đề đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ có đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị. Ông lấy ví dụ, một tuyến đường sắt như Nhổn – ga Hà Nội làm 15 năm chưa xong, Cát Linh – Hà Đông cũng mất nhiều thời gian, đó là vấn đề đã nhìn ra rằng không thể làm từng tuyến một.
"Làm từng cái một, mỗi cái một nguồn vốn, vay một công nghệ thì chắc 100 năm nữa Hà Nội mới xong được 12 tuyến đường sắt" – ông Thanh nói và cho biết UBND TP.Hà Nội đã lập một tổ công tác để làm đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, có như vậy tất cả những vấn đề các đại biểu bàn ở kỳ họp HĐND hôm nay như trật tự đô thị, giao thông đô thị có cơ hội sau khoảng 20 năm nữa sẽ được giải quyết.
"Với tất cả những việc hôm nay, đại biểu thương thì không nhắc đến, nhắc đến thì kỳ nào nói cũng được" – ông Thanh nói và hy vọng đến 20 năm nữa, nếu làm quyết liệt thì Thủ đô sẽ có hệ thống 12 tuyến đường sắt đô thị.
Về việc đôn đốc giải ngân kế hoạch đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông tin, đây là năm đầu tiên TP.Hà Nội không bị nhắc nhở về giải ngân đầu tư công (năm 2022 đã bị kiểm điểm, phê bình về việc này).
Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư, ông Trần Sỹ Thanh nói Chủ tịch cũng như Ban Cán sự đảng UBND TP.Hà Nội cũng chủ động báo cáo, kiểm điểm sâu về vấn đề này để tìm ra các tồn tại.
Với 712 dự án chậm triển khai, ông Trần Sỹ Thanh nói đây là 712 "số phận", sẽ phải rà soát rất kỹ bởi có những việc cách đây mấy chục năm, "mỗi một dự án là một số phận, không có dự án nào giống dự án nào" nên chỉ áp được một số nguyên tắc cơ bản và xét từng dự án cụ thể.
"Tinh thần tháo gỡ, thúc đẩy các dự án có điều kiện, có các chế tài các nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án nào nhà đầu tư không làm được nữa, không đi được nữa do nhiều lý do thì thu nhưng phải đảm bảo pháp luật" – ông Thanh nêu quan điểm.
Về cải cách hành chính, ông Thanh cho biết Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền, qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính PAR-Index, tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng.
Đối với nhóm giao thông đô thị, phát triển hạ tầng, năm 2023 TP.Hà Nội quyết tâm khai thông, đấu nối các đường Vành đai còn tắc, đấu nối giao thông với các tỉnh, khu vực xung quanh.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau một ngày làm việc, các vị đại biểu HĐND Thành phố đã tập trung chất vấn, tái chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, đó là tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố.
Kết quả phiên tái chất vấn cho thấy, các vị đại biểu HĐND Thành phố nắm chắc tình hình, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào nội dung chất vấn, tái chất vấn, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm.
Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc các vấn đề và trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào các nội dung được chất vấn, không né tránh, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu.
Qua phiên chất vấn cho thấy, trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đô thị luôn được Trung ương, Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo. Nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng như: đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và vừa qua là khởi công dự án đường vành đai 4 -Vùng Thủ đô; các tuyến đường hướng tâm, xuyên tâm, quốc lộ, tỉnh lộ, đường kết nối các khu đô thị… để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị, thúc đẩy kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố như các đại biểu HĐND Thành phố đã nêu tại phiên chất vấn.
HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các cam kết, lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng, tín nhiệm của đại biểu HĐND Thành phố và cử tri, Nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.