Lái và phụ xe buýt "thái độ" với khách, Tổng Công ty vận tải Hà Nội lên tiếng

Bách Thuận Thứ năm, ngày 07/12/2023 18:18 PM (GMT+7)
Theo phản ánh của cử tri TP.Hà Nội, nhiều xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô đã xuống cấp, thái độ của lái xe, phụ xe với hành khách chưa tốt đã tạo ra diện mạo không đẹp cho vận tải hành khách công cộng.
Bình luận 0

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ mười bốn của HĐND TP.Hà Nội, chiều 7/12, nhiều đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã chấn vấn lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải và doanh nghiệp liên quan vận tải hành khách công cộng.

Cụ thể, các đại biểu đặt vấn đề liên quan việc nhiều tuyến xe buýt xe rỗng, trùng tuyến; có không ít tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn gây nguy hiểm, tai nạn cho người tham gia giao thông; có nhiều xe buýt kém chất lượng hoạt động, nội thất xuống cấp; lái xe, phụ xe buýt có thái độ chưa tốt với hành khách.

Từ đó, các đại biểu đề nghị các đơn vị liên quan giải đáp các thông tin đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý tình trạng.

Lái và phụ xe buýt "thái độ" với khách, Tổng Công ty vận tải Hà Nội lên tiếng - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, có thưởng, có phạt nghiêm minh nhưng cũng mong cử tri, nhân dân chia sẻ, thông cảm vì không tránh khỏi những tồn tại. Ảnh: Bách Thuận

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, Tổng Công ty vận tải Hà Nội là 1 trong 11 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt trên địa bàn TP.Hà Nội thông qua cơ chế đấu thầu.

Hiện nay đang quản lý, vận hành 71/132 tuyến buýt có trợ giá, chiếm thị phần khoảng 53,8% với 1083 phương tiện; hàng ngày có trung bình 11 nghìn lượt xe vận hành, vận chuyển 60% lượng hành khách toàn Thành phố.

Ông Nam thừa nhận hoạt động xe buýt có bộc lộc những khiếm khuyết, tồn tại như các đại biểu nêu.

Ông Nam giải thích, do nhu cầu, thói quen đi lại của người dân thay đổi sau Covid-19, số lượng người sử dụng phương tiện công cộng hiện có xu hướng chuyển sang xe cá nhân, việc này làm sụt giảm sản lượng hành khách, các doanh nghiệp vận tải đều giảm doanh thu, "chảy máu" lao động (các lao động có trình độ, tay nghề sau thời gian dài ngừng việc đã chuyển sang ngành, nghề khác).

Khi khôi phục sản xuất, Tổng Công ty vận tải Hà Nội rất vất vả trong vấn đề tuyển dụng cũng như đào tạo lại các lao động. Về phương tiện trong thời gian dài ngừng hoạt động dù được bảo trì, bảo dưỡng nhưng cũng xuống cấp.

Lái và phụ xe buýt "thái độ" với khách, Tổng Công ty vận tải Hà Nội lên tiếng - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, tốc độ chính và vấn đề lớn của xe buýt ở Thủ đô. Ảnh: TP.HN

Lãnh đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, nhận thức được vấn đề, Tổng Công ty đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân và đưa ra những giải pháp, lộ trình để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đầu tiên tuyển dụng, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công nhân viên và người lao động; triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu, phát động thi đua để lái xe chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật.

Song song đó là dành thêm nguồn lực để bù đắp thu nhập cho người lao động với những nhân viên có thành tích, ai vi phạm xử lý theo quy chế. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm.

"Chúng tôi cam kết không bao che, không có ngoại lệ, kiên quyết xử lý mặc dù trong bối cảnh thiếu hụt lao động" – lãnh đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội cam kết.

Về phương tiện, Tổng Công ty vận tải Hà Nội có khoảng 70% xe đạt tiêu chuẩn EURO 4; không có xe nào trên 10 năm tuổi, bình quân 5,2 tuổi/xe. 

Với số lượng lớn như vậy, hàng năm Tổng Công ty vận tải Hà Nội phải đầu tư lần lượt, gối đầu với các xe hết niên hạn. Do vậy những xe cuối chu kỳ thường cũ, xấu, tuy nhiên Tổng Công ty cũng quan tâm tới chất lượng hình ảnh, kỹ thuật để đảm bảo tối đa các xe ra tuyến đủ yêu cầu về hình thức, chất lượng.

Trong thời gian vừa rồi cũng đã nhìn nhận được các vấn đề về phương tiện như đại biểu nêu, đã ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá về an toàn kỹ thuật cũng như hình ảnh xe ra tuyến và phân cấp mạnh mẽ về nguồn lực; có thưởng phạt người đứng đầu…

Ngoài ra, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cũng có lộ trình, kế hoạch thay đổi phương tiện năng lượng sạch cho từng năm; triển khai các nhóm quản trị công nghệ thông tin, tăng cường nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng ngoài đường dây nóng.

Cũng trả lời về các chất vấn liên quan hoạt động của xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, toàn TP.Hà Nội có 154 tuyến buýt, hơn 2 nghìn xe hoạt động.

Thời gian dịch Covid-19 xảy ra, người dân đã có thói quen dần thay đổi khi lưu thông, người dân đi xe cá nhân nên lưu lượng hành khách công cộng di chuyển bằng xe buýt đã giảm.

Vấn đề lớn nhất của xe buýt theo ông Thường chính là tốc độ giao thông và ông cho rằng đó là "một vòng luẩn quẩn".

Khi người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều thì ùn tắc, ùn tắc thì tốc độ lưu thông trên đường phố Thủ đô giảm xuống. Trước đây tốc độ lưu thoát của xe buýt là 22km/giờ, nay còn 16km/giờ, thậm chí giờ cao điểm chỉ hơn 10km/giờ.

"Chúng ta muốn xe điện, muốn xe đi êm, xe đẹp, hình ảnh, mọi thứ thân thiện nhưng quan sát thực tế chúng tôi thấy một trong những vấn cực kỳ quan trọng là phải đúng giờ. Nếu như không đúng giờ thì người dân cũng vẫn xa rời xe buýt" – ông Thường nói.

4 nguyên nhân chủ quan, 5 nguyên nhân khách quan khiến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ

Ngày 7/12, các đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã đề nghị các đơn vị liên quan làm rõ việc chậm tiến độ của dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sau 13 năm thi công với nhiều lần điều chỉnh mới đạt khoảng 78%.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, UBND TP.Hà Nội đã chỉ ra 4 nguyên nhân chủ quan, 5 nguyên nhân khách quan dẫn đến dự án triển khai chậm tiến độ.

Nguyên nhân chính được xác định là nhà thầu không có mặt bằng nên phải dừng thi công trong một thời gian dài. TP.Hà Nội đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh dự án và đã được phê duyệt, toàn bộ dự án được chỉnh tiến độ kéo dài đến năm 2027.

UBND TP.Hà Nội và Ban quản lý đang tập trung giải quyết các nguyên nhân chủ quan, trong đó tồn tại về giải phóng mặt bằng đã được Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo cơ bản giải quyết toàn bộ. Các nhà thầu đã trở lại thi công, tiếp tục triển khai các phần việc còn lại ở đoạn ngầm 4km vào đầu tháng 2/2023.

Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng thông tin, dự án hiện còn 3 công việc còn lại để đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao mới gồm đào tạo nhân lực vận hành, bảo trì, xây dựng hệ thống tài liệu của tư vấn; tiến hành vận hành thử cho 57 kịch bản với đầy đủ phương án thương mại, giai đoạn bình thường xử lý sự cố và khẩn cấp; thủ tục nghiệm thu dự án đường sắt đô thị mới theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chứng nhận về an toàn hệ thống.

Từ năm 2023, UBND TP.Hà Nội đã cấp 700 tỷ đồng để trả nguồn vốn ODA cho dự án. Tư vấn đã quay trở lại đầu tháng 11/2023, lập lại kế hoạch đoạn trên cao cố gắng trong quý II/2024 hoàn thành 3 việc còn lại, đặc biệt là chứng nhận an toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại. Với đoạn ngầm, nhà thầu đang nỗ lực xây dựng lại toàn bộ kế hoạch thi công, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2027.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem