Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 4/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã về kết quả triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2024, triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương báo cáo, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, các đơn vị đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt các hoạt động an toàn thực phẩm và đạt kế hoạch đề ra.
Hà Nội đã thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Trong đó, có 17 đoàn cấp thành phố; 82 đoàn cấp quận, huyện, thị xã; 607 đoàn cấp xã, phường, thị trấn. Kết quả, toàn Thành phố đã kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở.
Theo báo cáo, có 10.522 cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (tỷ lệ đạt 84,1%); 1.814 cơ sở vi phạm; 1.679 cơ sở bị xử lý; 135 cơ sở bị nhắc nhở, khắc phục tại chỗ.
Đáng chú ý, có 1.679 cơ sở bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 8.8 tỷ đồng; 280 cơ sở buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá hơn 2,7 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, 2 cơ sở tại quận Hoàn Kiếm bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, HACCP do không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu dùng cho chế biến, sản xuất…
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm một cách thực tế, hiệu quả để nâng cao nhận thức, thực hành cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP.Hà Nội đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cần tập trung triển khai.
Đầu tiên là tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học và bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống.
Về công tác truyền thông, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu, để tăng tính hiệu quả, thay vì tuyên truyền một cách chung chung thì cần cá thể hoá, cụ thể đối tượng vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua các hoạt động của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, TP.Hà Nội thẳng thắn công bố những quận, huyện, những đơn vị làm tốt cũng như chưa tốt để rút kinh nghiệm.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, không chỉ riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt được kết quả như mong muốn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân; thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cần tăng cường các hoạt động truyền thông; tổ chức các cuộc thi viết về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền an toàn thực phẩm trong các nhà trường.
Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh, người dân không nên vì chạy theo lợi nhuận mà nuôi trồng, sản xuất theo kiểu "lợn một chuồng, rau một luống".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.