Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: Không lo thị trường sụp đổ!

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 09/12/2018 07:05 AM (GMT+7)
Sau chu kỳ 10 năm tăng trưởng cao, hạt tiêu Việt Nam đang lâm vào cảnh trượt dài trong biểu đồ giá cả. Tuy nhiên triển vọng của ngành vẫn còn lớn. Hướng đi mang tính sống còn cho ngành thời gian tới là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững trên cơ sở liên kết.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Nam Hải (ảnh) – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng hai mắt xích quan trọng cần được tập trung là khẩu sản xuất ngoài đồng ruộng và chế biến trong nhà máy để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Còn nhiều triển vọng

Ông có thể khái quát tình hình sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu trong thời gian qua?

- Năm 2017, Việt Nam mất mùa hồ tiêu nhưng do diện tích tăng nên nguồn cung vẫn tăng. Năm 2017 và 2018, thị trường diễn biến phức tạp, giá giảm mạnh. Sản xuất và xuất khẩu vẫn tăng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro với cả nông dân, doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp xuất khẩu.

img

Ngành hồ tiêu cần xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững để nâng cao giá trị.  Ảnh: Nguyên Vỹ

Nửa đầu năm 2018, xuất khẩu đạt 132.152 tấn hồ tiêu các loại tuy nhiên, kim ngạch đã giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt 454,38 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu tăng 8,3% nhưng kim ngạch giảm 31,2%. Do giá hồ tiêu giai đoạn vừa qua xuống quá thấp đã khiến kim ngạch giảm theo.

Cụ thể giá tiêu giảm thế nào thưa ông?

- Năm 2017, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen chỉ đạt 4.945 USD/tấn; tiêu trắng đạt 7.200 USD/tấn. So với năm 2016, giá xuất khẩu tiêu đen giảm 35,2%; tiêu trắng giảm 35,7%.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu hạt tiêu các loại năm 2017 vẫn còn khả quan hơn rất nhiều so với năm 2018. 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu tiêu đen chỉ còn 3.264 USD/tấn, giảm gần 40%; giá tiêu trắng còn 4.968 USD/tấn, giảm 38% so cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, sau chu kỳ 10 năm (từ 2006 – 2015), giá tăng liên tục, đến năm 2017, mặt hàng hạt tiêu bắt đầu bước vào thời kỳ giảm giá. Tháng 7.2015, giá tiêu tại New York sụt giảm mức cao nhất với 11,33USD/kg tiêu đen và 16,50USD/kg tiêu trắng.

Tới cuối năm 2017, giá tiêu đã giảm mạnh tới 55%, xuống mức 4,78USD/kg tiêu đen và 7,50USD/kg tiêu trắng. Trong nước, nhiều thời điểm giá tiêu chỉ còn trên dưới 60.000 đồng/kg, tiệm cận giá thành.

Sắp tới, theo ông tình hình giá tiêu sẽ diễn biến như thế nào?

- Sản xuất và kinh doanh hồ tiêu ngày một khó do quy định về an toàn thực phẩm ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Giá tiêu chưa có nhiều chuyển biến tích cực, trong khi giá thành sản xuất của nông dân xu hướng tăng do các yếu tố công lao động, đất đai, vật tư tăng cao.

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả thị trường hiện nay còn phải kể thêm yếu tố đầu cơ và tâm lý, nhất là khi hồ tiêu chưa có sàn giao dịch. Vì thế xu hướng giảm giá hiện tại không hẳn sẽ khiến thị trường sụp đổ mà có thể còn biến động tăng trong từng giai đoạn. Thời gian qua, ngoài các thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ, nhu cầu từ Trung Quốc tăng cao cũng tạo điều kiện để giá không giảm sâu hơn nữa.

Hồ tiêu ngoài sử dụng cho thực phẩm, đặc biệt là chuỗi thực phẩm ăn nhanh còn được các ngành công nghiệp y dược và mỹ phẩm... quan tâm. Tuy mức tăng nhỏ hơn cung nhưng nhu cầu thế giới với sản phẩm hồ tiêu các loại không giảm. Hồ tiêu vẫn là nông sản có tiềm năng tốt trên thị trường về lâu dài.

Tăng cường chuỗi giá trị liên kết

Tiềm năng dồi dào, vậy làm thế nào để gia tăng giá trị cho hạt tiêu trong nước?

- Chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn lỏng lẻo, các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ phát triển còn khó khăn. Trở ngại lớn nhất để có thể gia tăng được giá trị hiện nay là vấn đề sản xuất hạt tiêu nguyên liệu trên đồng ruộng. So với những năm trước, việc áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn.

Để thực hiện hướng đi mang tính sống còn cho ngành hồ tiêu Việt Nam thời gian tới, vấn đề mấu chốt là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững trên cơ sở liên kết. Trong đó, hai mắt xích quan trọng nhất là sản xuất ngoài đồng ruộng và chế biến trong nhà máy trên nền tảng hiện đại hoá, theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vì thế, các giải pháp nâng cao chất lượng hồ tiêu trước hết phải tạo vùng nguyên liệu bền vững. Hai là có hệ thống chế biến đồng bộ. Thứ ba, khâu chăm sóc luôn cẩn trọng với việc lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV để tạo uy tín với khách hàng nước ngoài.

Dự báo tình hình năm 2019 thế nào thưa ông?

- Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam đang trong giai đoạn cho sản lượng cao nhất từ trước tới nay do đợt mở rộng diện tích thời kỳ 2013 - 2016. Mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 2 - 3. Tuy nhiên do thời tiết và dịch bệnh năm 2018 nên sản lượng vụ 2019 sẽ không tăng nhiều.

Cũng như Việt Nam, nguồn cung toàn cầu sẽ duy trì đà tăng ít nhất tới sau 2020 nên giá sẽ khó tăng đột biến. Tuy nhiên, giá cũng sẽ không giảm mạnh do nông dân không còn tìm thấy hiệu quả kinh tế cao như trước. Những khó khăn vừa qua khiến nhiều nơi không còn đầu tư mạnh hay trồng mới, và có xu hướng chuyển đổi sang xen canh hồ tiêu với cây trồng khác. Nguồn nguyên liệu của Việt Nam và toàn cầu sẽ dần cân đối với nhu cầu.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Nguyễn Nam Hải, trước mắt, ngành hồ tiêu sẽ không tăng diện tích mà tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên những vùng trồng có điều kiện phù hợp để giữ vững sản lượng. Tập trung phát triển việc sản xuất, chế biến theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, hướng đến các thị trường cao cấp có giá trị gia tăng cao. Bên ngoài, sẽ thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để phát triển mạnh năng lực xuất khẩu.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem