Chủ tịch Hội NDVN: Chỉ khi doanh nghiệp có lãi, nhà nông mới có lợi

Quốc Hải Thứ ba, ngày 21/06/2016 20:30 PM (GMT+7)
Ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế… khiến các doanh nghiệp (DN) dẫn đầu ngành phân bón trong nước gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý, các chính sách “tưởng chừng có lợi” cho nông dân nhưng thực tế triển khai lại chưa như mong đợi…
Bình luận 0

Trao đổi với đoàn công tác do ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (TƯ HNDVN) dẫn đầu trong chuyến làm việc tại TP.HCM ngày 21.6, nhiều DN ngành phân bón cho biết, do ảnh hưởng của yếu tố khấu trừ đầu vào được áp dụng cho các DN sản xuất trong nước khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng cao, khiến không chỉ DN giảm lãi và khó cạnh tranh mà người nông dân cũng bất lợi.

Nông dân “gánh” khoản đội phí

Tại Công ty CP Phân bón Miền Nam, năm 2015 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cạnh tranh “không lành mạnh” của các DN “cuốc xẻng” (sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chui - PV)… khiến việc sản xuất và kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc sản xuất super Lân các loại chỉ đạt 97,5% kế hoạch song nhờ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nên tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 22,3 triệu USD ( đạt 131% kế hoạch). Dù vậy, lợi nhuận cũng chỉ đạt 105,4 tỉ đồng (83,7% kế hoạch)…

Theo ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty, tình hình sản xuất và kinh doanh của công ty giảm so với kế hoạch không chỉ bởi các nguyên nhân khách quan nói trên, mà chính sách thuế cũng đang “kìm hãm” DN phát triển.

img

Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lại Xuân Môn làm việc với Công ty CP Phân bón Miền Nam

Ông Hiệp minh chứng, nghị định 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung 1 số điều của các luật về thuế, điều chỉnh thuế GTGT có hiệu lực từ 1.1.2015, mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang mặt hàng không chịu thuế nên DN không được khấu trừ đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng khi đến tay nông dân.

“Dù cố gắng hết mức nhưng giá thành sản phẩm sau khi cân đối cũng tăng từ 3-5% so với giá thành năm trước. Điều này không chỉ bất lợi cho DN mà còn làm tăng chi phí cho nông dân, trong khi các DN phân bón ngoại và các DN “cuốc xẻng” lại có lợi”, ông Hiệp nói.

Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Tổng Công ty CP Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết việc không được khấu trừ đầu vào cũng ảnh hưởng nhất định đến việc sản xuất và kinh doanh của rất nhiều công ty sản xuất phân bón. Dĩ nhiên các DN sẽ vì lợi nhuận mà phần chi phí phát sinh do không được hoàn thuế sẽ được “bổ đầu” vào chi phí sản xuất, đội giá thành và nông dân sẽ chịu thiệt.

“Chính sách thoạt nhìn rất tốt, có lợi cho nông dân nhưng thực tế không như mong muốn. Các DN nước ngoài và các DN “cuốc xẻng” sẽ ăn nên làm ra còn những DN làm ăn chân chính bị ảnh hưởng bởi nếu tăng giá thành thì khó cạnh tranh, còn không tăng giá thành thì lấy gì bù chi phí?”, ông Tân nói.

Sẽ đề xuất tháo gỡ

Ông Lại Xuân Môn chia sẻ, nhờ đóng góp tích cực của các DN dẫn đầu ngành phân bón trong nước như PVFCCo, Công ty CP Phân bón Miền Nam, Công ty Phân bón Bình Điền… đã góp phần giúp nông dân được mùa bội thu với chi phí sản xuất thấp nhất.

Có nhiều yếu tố giúp Việt Nam làm nên một nền nông nghiệp đáng tự hào - là trụ đỡ cho đất nước phát triển, đó là sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là nỗ lực của nông dân cần cù chịu khó, và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào việc phát triển và ổn định kinh tế xã hội…

Theo ông Môn, sắp tới TƯ Hội NDVN sẽ tổ chức hội thảo mời các DN sản xuất phân bón, các bộ ngành đóng góp ý kiến, tháo gỡ những vướng mắc để từ đó đề xuất sửa đổi các chính sách đang cản trở các DN phát triển bởi chính quá trình đi thực tế tại các DN, ông thấy rất rõ “chỉ khi nào DN có lãi thì nhà nông mới có lợi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem