Nuôi thành công cá mú to ở biển Sa Huỳnh, một Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Quảng Ngãi thu tiền tỷ

Công Xuân Chủ nhật, ngày 29/09/2024 05:28 AM (GMT+7)
Lợi nhuận từ nuôi cá mú lồng bè ở vùng biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) của anh Đỗ Văn Được trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Anh Đỗ Văn Được là một trong 63 nông dân tiêu biểu được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Bình luận 0

Hành trình trở thành "ông hoàng" nuôi cá mú lồng bè trên biển Sa Huỳnh

Về Phổ Thạnh, TX Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi hỏi anh Được nuôi cá lồng bè thì gần như người dân nào cũng biết. 

Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi sau tròn 1 thập kỷ gắn bó với vật nuôi này ở tại cảng biển Sa Huỳnh, anh Được không chỉ trở thành người cung cấp cá mú cho hàng quán trong vùng, của tỉnh Quảng Ngãi mà cả tỉnh bạn, đặc biệt là TP Đà Nẵng.

Gặp anh Được nuôi cá mú lồng bè thu tiền tỷ ở biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Một góc nuôi cá mú lồng bè của anh Đỗ Văn Được, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: C.X.

Nói về "cơ duyên" đến với nuôi cá mú lồng bè, anh Được kể, cách đây hơn 10 năm, nghề chính là thu mua và cung cấp tôm hùm "nhí" (tôm hùm con) cho người dân ở tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà.

Tại thời điểm trên, sau nhiều lần ra vào để giao tôm hùm giống, qua quan sát nhận thấy, việc nuôi tôm hùm của người dân ở tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà mang lại lợi nhuận khá, nên anh Được đã nảy sinh đầu tư, đóng bè và nuôi thử 2 lồng ở vùng biển Sa Huỳnh.

Dù lợi nhuận của nuôi tôm hùm mang lại khá, nhưng anh Được cho biết, do vị trí nuôi là vùng biển trong cảng neo đậu Sa Huỳnh nên nhiệt độ nước khá cao, nếu tiếp tục duy trì nuôi và mở rộng, rủi ro rất lớn. Vì vậy sau khi tìm hiểu, anh Được chọn và chuyển sang nuôi cá mú.

Cũng như lần "khởi động" với tôm hùm, ban đầu anh Được chỉ đầu tư nuôi 2 lồng. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy cá mú thích hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng biển cảng Sa Huỳnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thậm chí còn hơn tôm hùm, nên anh Được đầu tư mở rộng.

Video anh Đỗ Văn Được, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) nói về quá trình gắn bó với nuôi cá mú lồng bè ở biển Sa Huỳnh.

Đến nay tròn 1 thập kỷ gắn bó, hiện số lượng lồng nuôi cá mú của anh Được đã tăng lên 40 lồng, trong đó số nuôi cá bột là 15 lồng; số nuôi thương phẩm là 25 lồng/25.000 con.

Gặp anh Được nuôi cá mú lồng bè thu tiền tỷ ở biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 2.

Anh Đỗ Văn Được đang kiểm tra cá mú to bự nuôi lồng bè trên biển Sa Huỳnh để chuẩn bị xuất bán. Ảnh: C.X

Chỉ tính riêng số lồng và lượng cá nuôi thương phẩm nêu trên, anh Được đã trở thành một trong những người nuôi cá mú lớn nhất, nhì ở Quảng Ngãi.

Thu tiền tỷ mỗi năm từ nuôi cá mú lồng bè

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá mú lồng bè trên biển, anh Được tâm sự, cá mú nuôi lồng từ lúc nhỏ (cá bột) đến lúc trưởng thành (cá thương phẩm) xuất bán khoảng 1 năm.

Gặp anh Được nuôi cá mú lồng bè thu tiền tỷ ở biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 3.

Cận cảnh 1 lồng nuôi cá mú thương phẩm trên biển Sa Huỳnh của gia đình anh Đỗ Văn Được, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: C.X

Trong chu kỳ nuôi (1 năm), cứ sau khi nuôi khoảng 3 tháng, thì chuyển sang lồng nuôi khác 1 lần. 

Lý do đây là những thời điểm mà kích cỡ cá khác nhau, nên việc chuyển lồng và thay đổi số lượng cá/lồng, là để phù hợp cho cá phát triển lớn hơn.

Theo anh Được, so với nhiều loại thuỷ sản nuôi khác, cá mú dễ tính hơn rất nhiều; không đòi hỏi kĩ thuật khắt khe, như tôm hùm chẳng hạn. Chi phí nuôi của cá mú (chu kỳ 1 năm) ở nơi khác thì không rõ, nhưng tại Sa Huỳnh ước khoảng 120.000 đồng/con.

Giai đoạn khó nhất của cá mú nuôi lồng trên biển, theo anh Được, đó là từ lúc thả cá bột (cá giống con) đến khoảng 3 tháng tuổi.

Đây là thời điểm mà người nuôi cần theo dõi sát, liên tục vì cá rất dễ bị bệnh, đặc biệt là đường ruột và ghẻ, dẫn đến cá chết hàng loạt; còn thời gian sau thì việc nuôi dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó ở mỗi thời điểm thay lồng (3 tháng/lần), người nuôi cần sử dụng thuốc pha, để vệ sinh cho cá khỏi bị bệnh ngoài da.

Video Toàn cảnh khu vực nuôi cá mú của anh Đỗ Văn Được.

Một lợi thế khác của cá mú, theo anh Được tâm sự, đó là không bị "sức ép" của thời hạn nuôi phải xuất bán.

Bình thường sau khoảng 1 năm nuôi là có thể xuất bán, nhưng nếu gặp thời điểm thị trường bất lợi, giá hạ, hoặc không bán được thì người nuôi có thể giữ lại tiếp tục nuôi, mà không sợ cá "quá lứa lỡ thì", mất giá quá nhiều.

Anh Được giải thích, với giá bán hiện nay đối với cá mú loại 1, với trọng lượng từ 1kg – 1,4kg/con (1 năm nuôi) khoảng 180.000 đồng/kg; còn loại 2 (từ 1,5 kg- 2,4kg/con) là 160.000 đồng/kg; loại còn lại có trọng lượng trên 2,5 kg/con, thì giá bán là 140.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của cá mú là nội địa, nên khá ổn định. Ngoài thị trường trong tỉnh, cá mú nuôi của anh Được xuất bán sang tỉnh bạn, đặc biệt là TP Đà Nẵng.

Nói về thu nhập từ cá mú nuôi, anh Được không giấu giếm, lợi nhuận từ cá mú nuôi lồng của gia đình, sau khi trừ chi phí được khoảng từ 40-50%.

Cụ thể đối với 25 lồng nuôi/25.000 con cá mú thương phẩm như vài năm gần đây, trừ công, thức ăn…thì mỗi năm lợi nhuận mang về cho anh Được và gia đình số tiền trên dưới 1 tỷ đồng/năm.

Video Ông Thái Thuần Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nói về mô hình nuôi cá mú của anh Được.

Gặp anh Được nuôi cá mú lồng bè thu tiền tỷ ở biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 5.

Anh Được đang giới thiệu quy mô nuôi cá mú lồng bè với Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.Ảnh: C.X

Dù rất muốn mở rộng quy mô, thế nhưng anh Được cho biết, do địa điểm nuôi của người dân Sa Huỳnh nói chung là tạm bợ ở khu vực neo đậu, vì vậy trong thời gian đến, rất mong cấp ngành của tỉnh có quy hoạch, để người nuôi hải sản nói chung ở địa phương, an tâm mở rộng và phát huy lợi thế và tiềm năng của một địa phương vùng ven biển.

Với những thành tích xuất sắc trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản, anh Đỗ Văn Được (sinh 1975), ở phường Phổ Thạnh,TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã được các cấp ngành của tỉnh, T.Ư tặng nhiều phần thưởng. Anh được tặng Bằng khen của BCH TƯ Hội NDVN; Chứng nhận đạt đanh hiệu hộ SXKDG cấp T.Ư giai đoạn 2017 – 2022; Bằng khen của TƯ Hội NDVN năm 2022...

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem