Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) kỳ vọng cuộc sống, thu nhập của hội viên thay đổi sau mỗi bài báo
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) kỳ vọng cuộc sống, thu nhập của hội viên thay đổi sau mỗi bài báo
Trần Quang
Thứ ba, ngày 11/06/2024 09:51 AM (GMT+7)
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) đánh giá: Các thông tin, bài báo đăng trên Báo điện tử Dân Việt đều đều có nội dung rất sâu sắc và gần gũi, thiết thực với các hội viên. Nhờ chịu khó đọc báo, kịp thời tiếp cận các thông tin mới, mô hình hay mà nhiều nông dân đã đổi đời.
Trước thềm Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân TP.Hà Nội và báo Nông thôn Ngày nay ngày 12/6, chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) Thiều Văn Sơn cho biết, ông đánh giá rất cao chất lượng các thông tin trên Báo NTNN/điện tử Dân Việt.
"Nhiều năm đọc báo, theo dõi các thông tin trên Báo NTNN/điện tử Dân Việt, tôi thấy các thông tin báo đưa đều rất chân thực, sinh động và gần gũi với đời sống của hội viên, nông dân. Báo không chỉ nêu gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà còn thường xuyên có các bài điều tra, phản ánh các bất cập trong chính sách để bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân", ông Sơn khẳng định.
Theo đó, ông Sơn rất kỳ vọng hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân TP.Hà Nội và báo Nông thôn Ngày nay ngày 12/6 tới sẽ thúc đẩy, nâng cao chất lượng hợp tác, thông tin giữa 2 đơn vị.
"Hiện nay, các hội viên, nông dân ở huyện đều đã có điện thoại thông minh để cập nhật thông tin mới. Tuy nhiên, để bà con tiếp cận các thông tin chính xác và phù hợp với nhu cầu sản xuất, chúng ta phải có định hướng cụ thể. Sau hội nghị ký kết, chúng tôi sẽ truyền tải kịp thời thông tin đến các cán bộ, hội viên giúp mọi người đọc báo nhanh, tiếp cận các thông tin hay, kỹ thuật mới đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn", ông Sơn nói thêm.
Hợp tác đưa Nghị quyết 46 vào cuộc sống
Hiện, Đan Phượng đang có khoảng 19.000 hội viên, nông dân, trong số đó của nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ông Sơn cho hay: Dù bà con đang sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, các hội viên, nông dân đều mong muốn tiếp nhận được nhiều thông tin mới, chính xác hơn về dự báo thị trường, dự báo thời tiết, dự báo xu hướng sử dụng công nghệ mới đưa vào sản xuất...
"Đến nay, người dân Đan Phượng đang trồng bưởi tôm vàng, trồng rau, hoa ly, cúc, đồng tiền... mang lại thu nhập rất cao, có hộ đạt thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm có thời điểm vẫn bấp bênh theo thị trường nên bà con rất cần có dự báo thị trường, giá sản phẩm và kết nối tiêu thụ qua kênh chính thống của báo Dân Việt, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp", ông Son chia sẻ.
Ông Son cũng kỳ vọng, sau hội nghị ký kết, hợp tác giữa Báo NTNN và Hội ND TP.Hà Nội, các cán bộ, hội viên, nông dân ở Đan Phượng nói riêng và tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố nói chung sẽ được cung cấp, phổ biến thông tin, tuyên truyền sâu và thường xuyên, cụ thể hơn về Nghị quyết 46 (Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam).
"Sau hội nghị, Báo NTNN/điện tử Dân Việt và các cấp Hội ND thành phố sẽ hợp tác sâu, toàn diện hơn, cùng nhau phối hợp tuyên truyền đưa các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết 46, Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023- 2028) vào cuộc sống giúp các cán bộ, hội viên, nông dân được hưởng lợi nhiều hơn", ông Son nhấn mạnh.
Cũng theo ông Son, bên cạnh các công tác tuyên truyền xưa nay chúng ta vẫn làm thì lần này Đảng chỉ đạo phải gắn với việc giải quyết lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, nhất là sinh hoạt cơ sở.
Có nghĩa là, không chỉ là chuyển giao, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính sách pháp luật mà chú ý đến việc giải quyết lợi ích thiết thân. Lấy nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề phát triển nông nghiệp để tuyên truyền, vận động người dân. Ví dụ xây dựng chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ…
"Tinh thần của Nghị quyết 46 cũng nhấn mạnh chúng ta phải đa dạng hóa phương thức, mô hình tập hợp và đoàn kết nông dân. Điều đó có nghĩa, từ nay phương thức tập hợp nông dân sẽ rất đa dạng, không đơn thuần chỉ là các hình thức xưa nay chúng ta làm mà có thể gắn với nguyện vọng, nhu cầu nghề nghiệp và địa bàn dân cư.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nghề nghiệp, điều này giúp đa dạng hóa cách thức, mở ra khả năng sáng tạo và cho phép chúng ta thử nghiệm những mô hình mới trong việc tổ chức bộ máy của Hội Nông dân...", ông Son khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.