Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh
Văn Long
Thứ năm, ngày 28/09/2023 16:32 PM (GMT+7)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đã dự, chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028.
Sáng ngày 28/9, tại TP.Đà Lạt đã chính thức diễn ra Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028.
Dự và chỉ đạo Đại hội có ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Trần Đức Quận – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng 230 đại biểu đại diện cho hơn 158.000 hội viên, nông dân toàn tỉnh.
Với phương châm "Đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hợp tác, phát triển", Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Hội
Tại đại hội, ông Bùi Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo kết quả công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Hùng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt chi hội, hội nghị, hội thảo, website của Hội, các nhóm Zalo, Facebook... tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời, Hội Nông dân các cấp cũng giới thiệu các gương điển hình trong công tác xây dựng Hội, phong trào nông dân, gương nông dân làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng gắn sản xuất với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua cũng là giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, chính vì vậy, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, tích cực tham gia sản xuất.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đóng góp ủng hộ cơ sở cách ly tập trung, những hộ khó khăn tại nơi cư trú, hỗ trợ bà con vùng dịch hơn 1.100 tấn rau, củ, quả; 62 tấn gạo; hơn 1,1 tỷ đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.
"Các cấp Hội xác định phát triển và nâng cao chất lượng hội viên là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Bằng nhiều loại hình tập hợp và thông qua các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động liên kết trong sản xuất, kinh doanh để thu hút nông dân tự nguyện tham gia vào Hội, toàn tỉnh đã kết nạp được 28.870 hội viên mới, nâng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là 158.429 hội viên, đạt 85,2 % so với tổng số hộ nông nghiệp, Hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên đến nay đạt 80%.
Trong nhiệm kỳ toàn tỉnh đã thành lập được 65 chi hội nghề nghiệp, 124 tổ hội nghề nghiệp, nâng tổng số chi hội nghề nghiệp là 91, tổ hội nghề nghiệp là 156. Hoạt động của Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp với nội dung sinh hoạt thiết thực, giúp hội viên nông dân chủ động trao đổi, liên kết trong sản xuất, kinh doanh hướng theo chuỗi giá trị góp phần gắn kết nông dân với tổ chức Hội với các doanh nghiệp, làm tiền đề vận động, xây dựng Tổ hợp tác, Hợp tác xã", ông Bùi Văn Hùng thông tin.
Sát cánh cùng nông dân trong mọi mặt
Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá đi đầu trong nông nghiệp công nghệ cao, chính vì vậy, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn hội viên nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Song song với đó là tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển.
Hàng năm các cấp Hội chỉ đạo, tổ chức vận động hội viên nông dân đăng ký và tổ chức bình xét, tổng kết, kịp thời biểu dương những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu. Kết quả bình xét năm 2018, toàn tỉnh có 66.399 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, đến năm 2022 có 66.500 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 33% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn.
Chính vì vậy, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội đã khích lệ động viên nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực, nêu cao tinh thần đoàn kết hợp tác, lao động sáng tạo. Từ đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ,… góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng còn hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh trên nhiều phương diện để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, dạy nghề, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; Hỗ trợ nông dân sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; Tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả khả quan trong vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Trong đó, Các cấp Hội tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, các cấp hội tập trung tuyên truyền để người dân xác định mục tiêu của chương trình là "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ", nông dân là chủ thể, là hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia vào chương trình, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Hội các cấp vận động nông dân hiến hơn 40ha đất, đóng góp 244 tỷ đồng; gần 80.000 ngày công lao động, sửa chữa, làm mới 886 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 844 km kênh mương trên địa bàn toàn tỉnh.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới
Dự và chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, có ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, những kết quả trên trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ qua cho thấy hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả; đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, để nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, để kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn bền vững; nông dân được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, vốn, khoa học kỹ thuật, pháp luật thuận lợi hơn.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, để phần lớn nông dân được đào tạo nghề, giải quyết vấn đề năng suất lao động thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao; để nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; để người nông dân thích ứng nhanh hơn không để khoảng cách xa với tốc độ đô thị hóa, những vấn đề đó cần tổ chức Hội Nông dân các cấp quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ cùng cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết.
Tại đại hội, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng gợi mở 6 vấn đề trong nhiệm kỳ mới của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng:
Một là:
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và bảo vệ môi trường nông thôn.
Hai là:
Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có năng lực về chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, nhất là cần ưu tiên quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội. Đổi mới phương thức tập hợp hội viên trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội.
Ba là:
Tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tổ chức Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bốn là:
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của hội viên nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tăng cường và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể... Chú trọng đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp với thị trường lao động và thực tiễn địa phương; đào tạo theo thực tế sản xuất của nông dân.
Năm là:
Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; làm cầu nối quan trọng giữa nông dân với Đảng, với chính quyền. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Sáu là:
Tập trung nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp. Xác định rõ chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, khâu then chốt là công tác cán bộ, đây là gốc của mọi phong trào, quyết định sự thành bại trong công tác Hội và phong trào nông dân. Kiến tạo môi trường, đề cao sự đóng góp, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự rèn luyện của từng ủy viên chấp hành trong lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân của nhiệm kỳ tới. Ban Chấp hành Hội Nông dân khóa mới phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn để theo kịp với quá trình vận động, chuyển mình rất nhanh, mạnh của tỉnh; đóng góp xứng đáng vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân của nước.
Trong ngày 28/9, các đại biểu đã bầu cử Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028. Sau đó, Ban Chấp hành khóa IX sẽ họp lần thứ nhất để bầu ra Ban Thường vụ; chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch; Ủy ban kiểm tra; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2023 – 2028. Theo đó, ông Đa Cát Vinh tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch, ông Bùi Văn Hùng, bà Trần Thị Oanh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.