Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành khắc phục hạn chế trong từng lĩnh vực
Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành khắc phục hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực
Quỳnh Nguyễn
Thứ tư, ngày 08/11/2023 12:48 PM (GMT+7)
Sau 2,5 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn các đại biểu chưa được chất vấn và tranh luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Với phạm vi chất vấn rất rộng, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số nội dung. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp: Sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các luật có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm: "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; Khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2024…
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội: Quan tâm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và văn hóa. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam tại kỳ họp gần nhất; Tiếp tục chuyển dịch phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025; Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và công nghệ; Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định và việc phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới; Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế và trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, chỉ định sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trong khám bệnh, chữa bệnh…
Một số yêu cầu đối với lĩnh vực kinh tế tổng hợp như: đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Tập trung mọi nỗ lực để sớm hoàn thành, phê duyệt, quyết định các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, tỷ lệ chi phí trả nợ… Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với lĩnh vực kinh tế ngành: Khẩn trương phê duyệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; Rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.