Chủ tịch T.Ư Hội NDVN: Các phong trào do Hội phát động có sức lan tỏa cao

Long Nguyên Thứ sáu, ngày 26/09/2014 12:25 PM (GMT+7)
Sáng 26.9, tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VIII diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã đọc tham luận của Hội NDVN trong việc tích cực tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Tham luận của Hội Nông dân Việt Nam được Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường trình bày với tiêu đề “Hội Nông dân Việt Nam tích cực tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động góp phần xây dựng nông thôn mới”, xin trích lược dưới đây.

Có sức lan tỏa, có ý nghĩa nhân văn

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Đảng ta tiếp tục khẳng định: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội.

Với vai trò là tổ chức thành viên có số lượng quần chúng rộng lớn trong MTTQ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam nhận thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc vận động, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 5 năm qua (2009 - 2014), Hội Nông dân Việt Nam đã cụ thể hoá nội dung đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong toàn bộ công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn nông dân và xây dựng Hội Nông dân vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… do MTTQ Việt Nam phát động với 3 phong trào lớn của Hội là: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và "Phong trào nông dân thi đua bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Các phong trào do Hội Nông dân Việt Nam phát động có sức lan tỏa thu hút hàng triệu cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và ý nghĩa nhân văn cao cả. Bởi vì phong trào không chỉ tạo điều kiện và khích lệ mỗi người nông dân có ý thức và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mà còn tích cực thực hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau cách thức làm ăn, vươn lên trong cuộc sống; tình làng, nghĩa xóm ngày càng được cố kết bền chặt hơn. Hằng năm, có trên 4,2 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; giúp hơn 30 nghìn hộ nông dân thoát được nghèo, trên 200.000 hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành nên các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là đại diện của lớp người nông dân mới "nông dân tỷ phú” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Thông qua các phong trào nhiều khu dân cư ở nông thôn đã tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực và tinh thần tự quản để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí; thực hiện nếp sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào ở vùng bị thiên tai; xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang sạch, đẹp; điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường, đi lại, học hành, khám chữa bệnh ở nông thôn từng bước được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Cùng với những chế độ, chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông dân đã phát huy truyền thống tương thân tương ái, có nhiều hành động thiết thực giúp nông dân nghèo, thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 5 năm qua Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân tham gia xây mới 26.714 căn nhà tình nghĩa, tặng 7.431 sổ tiết kiệm, nhận phụng dưỡng 1.362 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tiếp tục xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân 3 cấp đạt 1.600 tỷ đồng luân chuyển giúp cho 97.500 hộ xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn lực quan trọng để Hội hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng và nhân rộng các mô hình của Hội Nông dân về xoá đói, giảm nghèo, phát triển ngành nghề nông thôn.

Vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đã ký Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Đây là cơ sở để Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động và vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia tích cực và có hiệu quả các cuộc vận động chung do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, các ngành phát động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và các mục tiêu chung của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chính nhờ sự đồng thuận này mà những năm qua trong điều kiện bị ảnh hưởng của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của nước ta suy giảm nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định. Nông nghiệp trở thành điểm tựa vững chắc của nền kinh tế quốc gia. Nông thôn an toàn và ổn định, niềm tin của nông dân với Đảng, với sự nghiệp đổi mới được củng cố và tăng cường.

Làm tốt công tác bồi dưỡng sức dân

Để các phong trào, các cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu và nâng cao hiệu quả ngang tầm với những yêu cầu xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn; từ thực tiễn 5 năm qua chúng tôi rút ra một số vấn đề cốt lõi sau:

Một là: Phải làm tốt công tác bồi dưỡng sức dân, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân phải là một trong những mục tiêu xuyên suốt và trọng tâm của mọi phong trào, mọi cuộc vận động ở nông thôn. Kịp thời đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; mọi chủ trương, nhiệm vụ phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân; kết hợp chặt chẽ giữa tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Hai là: Phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về mục đích, vai trò và ý nghĩa của các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng để có chủ trương lãnh đạo cụ thể; tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền để có nguồn lực hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể để có sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ba là: Cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và đánh giá các phong trào, các cuộc vận động để nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính thực tiễn của nó đối với mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư. Do vậy cần hướng các phong trào, các cuộc vận động vào những hoạt động kinh tế, xã hội cụ thể của quần chúng ở từng địa phương, từng vùng, miền; tránh tình trạng tuyên truyền vận động "chay”; khắc phục bệnh hình thức và hành chính hoá trong việc tổ chức thực hiện. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8B (khóa VI) đã chỉ rõ: "Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ của công dân”.Điều đó hoàn toàn đúng trong những năm qua; bởi vì chỉ có làm tốt việc bảo vệ và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân nói chung, nông dân nói riêng mới là điều kiện tiên quyết để xây dựng, củng cố sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, địa phương, đất nước và toàn dân tộc.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhất trí cao với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã nêu trong Báo cáo trình Đại hội. Để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đó và xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao vai trò đại diện của Hội trong tập hợp, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện, giám sát cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ. Phát huy quyền làm chủ, vận động nông dân tích cực đóng góp ý kiến đối với cán bộ các cấp; tham gia giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận số 62 - KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Nâng cao chất lượng và hiệu quả 3 phong trào thi đua của Hội Nông dân Việt Nam gắnCuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Vận động nông dân tích cực xây dựng "gia đình văn hoá”, tham gia xây dựng làng, xã văn hoá, thực hiện nếp sống văn hóa mới; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở; thực hiện tốt chính sách dân số, gia đình và trẻ em; phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Ba , phối hợp chặt chẽ với giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nông dân tiến bộ thế giới để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công và dạy nghề cho nông dân; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp táctrong bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, dẫn dắt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi từ "thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng”. Tích cực vận động, tập hợp, đoàn kết ngư dân bám biển sản xuất, kinh doanh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bốn là, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, xây dựng, bảo vệ chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh làm "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, với vai trò là một tổ chức thành viên đại diện cho lực lượng đông đảo nhất của cách mạng, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định sẽ tham ra tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động và các Phong trào thi đua trọng tâm của Hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem