Chủ trại lợn 12 tỷ đồng gửi tâm thư Bộ trưởng NNPTNT, Thống đốc

Tô Hiến Thành Thứ hai, ngày 24/07/2017 12:50 PM (GMT+7)
Đứng đầu một hợp tác xã (HTX) nuôi lợn hữu cơ (organic) với doanh thu 12-13 tỷ đồng, trong đó lãi 3-3,5 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ông Tô Hiến Thành vẫn phải viết bức “tâm thư” cầu cứu Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Lý do, hiện gia đình ông và HTX rất thiếu vốn để mở rộng sản xuất nhưng lại không vay được vốn, phải vay tín dụng “đen” khiến việc sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt mới nhận được bức “tâm thư” của ông Tô Hiến Thành, có địa chỉ ở: Thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, Huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gửi Bộ trưởng NNPTNT, Thống đốc NHNN Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phản ánh về việc thiếu vốn sản xuất. Ông Tô Hiến Thành cũng là nông dân Việt Nam xuất sắc (NDXS) năm 2017 vừa được bình chọn.

Báo Dân Việt xin đăng tải bức “tâm thư” của ông Thành.

Rủi ro trong nông nghiệp quá lớn

Kính thưa 2 ông!

Tôi sinh ra trong một gia đình có 7 anh em,  cả nhà chỉ sống dựa vào mảnh ruộng. Gia đình đã trải qua rất nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc bởi cả gia đình chỉ dựa vào một mảnh ruộng nhỏ được cấp cho bố mẹ.

img

Ông Tô Hiến Thành đang cho đàn lợn ăn tại trang trại của đơn vị ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang

Tôi từng trồng nhiều ha dứa, trồng cây thanh hao, nuôi hàng ngàn con gà, hàng trăm con lợn… nhưng cả thảy những lần đó đều thất bại. Rất buồn là những thất bại  này đều không phải do mình, mà do thị trường không chịu mua, dịch bệnh triền miên…

Tôi kể với 2 vị Bộ trưởng như thế để nói là làm nông vất vả quá. Cả 4-5 lần vay vốn ngân hàng, gia đình, bạn bè, rồi cầm cố tài sản để đổ vào sản xuất nhưng tay trắng vẫn hoàn tay trắng. 

Vậy nhưng cuối cùng, tôi không thất bại mãi. Nhờ kiên trì, bền bỉ, cuối cùng tôi cũng đã có được những thành công ban đầu. Hiện tôi là chủ trang trại lợn hữu cơ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và là Giám đốc HTX Trường Thành. Gia đình tôi năm 2000 có thuê thầu khu đất 34.269m2 (xấp xỉ 3,5ha) của thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Thời hạn thầu là 30 năm với số tiền là 21,7 triệu đồng; nộp một lần.

Từ đó đến nay, gia đình chúng tôi làm kinh tế trang trại trên khu đất và đã đầu tư chuồng trại, con giống cũng như đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng tính bằng tiền đã lên đến khoảng 15-17 tỷ đồng vào khu đất này.  Bước đầu, tôi đã có lãi, đã thuê được công nhân vào làm để có thể vừa sản xuất lớn, lại có thể giải quyết được việc làm cho lao động nông nhàn.

Từ nuôi lợn sạch theo chu kỳ khép kín, tôi đã chống chọi được đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua. Lợn hữu cơ của tôi đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… Nhiều đơn hàng của tôi đã đến từ các trường học, các lớp mẫu giáo, kể cả bếp ăn quân đội cũng  khá nhiều…

Nhờ nuôi lợn sạch, tìm được đầu ra, cả HTX của tôi đã có lãi. Riêng gia đình tôi giờ cũng không quá lo về miếng cơm, tấm áo. Tôi đã  có điều kiện nuôi con ăn học, thay đổi cuộc sống, tôi còn có thời gian đi làm từ thiện, công tác từ thiện.

Vậy nhưng, nếu cứ như thế mãi thì chúng tôi không thể làm ăn lớn, không thể mở mày mở mặt được.

Nuôi lợn phải vay với lãi suất “cắt cổ” 24-36%/năm

Thưa 2 vị Bộ trưởng!

Trong khi chúng tôi cần vốn vay ngân hàng để phát triển mở rộng quy mô thì hợp đồng thuê đất cũng như tài sản trên khu đất của chúng tôi lại không được thế chấp để vay vốn, vì khu đất đó không có quyền sử dụng đất.

 Do không vay được vốn của ngân hàng, vì thế chúng tôi phải vay ngoài với lãi suất rất cao, trong khi lãi suất của ngân hàng chỉ 0,7% mỗi tháng (8,4%/năm), thì do phải sử dụng tín dụng “đen”, nên tôi mất 2-3% tiền lãi mỗi tháng (tức 24-36%/năm).  Do đó rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế trong nông nghiệp.

img

Ông Tô Hiến Thành tắm cho đàn lợn ăn tại trang trại của đơn vị ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang

Những năm qua, như đã nói, tôi cũng đã được các ngành, các cấp của tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện. Thế nhưng, vấn đề về thế chấp tài sản để vay vốn sao không một ai có thể giúp  chúng tôi. Tôi đã lần này lần khác kiến nghị đến tỉnh Bắc Giang, rồi các đại biểu Quốc hội, rồi Viện Chính sách của Bộ NNPTNT nhưng  mọi việc đều không nhúc nhích. Tất cả đều chỉ hứa để xem xét, trong khi hàng ngày, hàng tháng tôi phải trả tiền cho tín dụng đen với chi phí rất cao.

Với suy nghĩ như vậy, tôi mạnh dạn viết tâm thư này gửi tới các ông, kính mong các ông xem xét, tạo điều kiện bằng cơ chế chính sách cho gia đình và HTX chúng tôi được dùng khu đất cũng như tài sản trên khu đất đó thế chấp hoặc tín chấp để vay vốn ngân hàng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp (Với quy mô đàn lợn 300 tấn lợn hữu cơ/ năm và cá 100 tấn/năm) để giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội.

Cụ thể, tôi xin kiến nghị với Bộ trưởng NNPTNT có ý kiến với ngân hàng bảo lãnh cho tôi được vay vốn để mở rộng sản xuất. Nông dân chúng tôi rất thật thà, tôi cũng vậy, đã vay là trả, phải sớm giải quyết vốn cho chúng tôi. Tôi mong ông hãy nghiên cứu ra một chính sách nào đó để những nông dân sản xuất nông nghiệp như tôi có thể được dùng tài sản là là lợn, gà, cá để tín chấp vay vốn. Đặc biệt, tôi mong muốn với ông làm việc với Bộ TNMT để chỉ đạo Sở TNMT Bắc Giang  và cơ quan liên quan có thể cấp sổ đỏ, hoặc một loại giấy tờ nào đó hợp lệ để chúng tôi có thể làm thế chấp, tín chấp vay ngân hàng được không?

Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi mạnh dạn kiến nghị ông chỉ đạo các ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc này cho những trường hợp như tôi. Làm sao chúng tôi có thể vay vốn một cách thuận lợi nhất để có thể đảm bảo được sản xuất. Câu chuyện của tôi thì như đã trình bày ở trên, tôi làm ăn có lãi, có tài sản nhưng do đất không được cấp bìa đỏ nên không ngân hàng nào dám cho vay.

img

Bức tâm thư dài 3 trang của ông Tô Hiến Thành gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Người viết tâm thư

Tô Hiến Thành

Tất cả đều hứa, chưa ai đứng ra giải quyết

Ông Tô Hiến Thành đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt. Ông Thành  nói:

- Thực ra, việc tôi viết thư cho 2 lãnh đạo ngành là cực chẳng đã. Khó khăn về vốn do ngân hàng không đồng ý thế chấp tài sản là đất đai tôi cũng đã kêu với các anh ở Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT), các đại biểu Quốc hội về tham quan HTX. Tôi cũng đã gõ cửa một số  sở, ngành và địa phương của tỉnh Bắc Giang. Nhưng tất cả chỉ hứa sẽ kiến nghị xem xét, còn chưa đơn vị nào đứng ra giải quyết. Những khó khăn, vướng mắc hiện nay của tôi là phổ biến với các HTX, tổ HTX, của các nông dân sản xuất giỏi, không chỉ riêng mình tôi. Nếu không gỡ khó về vốn, HTX của tôi sẽ không bứt phá được.

img

Ông Tô Hiến Thành (trái) trao đổi với Phó Tổng Biên tập Báo NTNN Nguyễn Văn Hoài tại trang trại ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: T.Q

Việc không thế chấp được đất đai để vay vốn đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất của HTX?

- Ảnh hưởng nhiều lắm. Rõ nhất là tôi không có vốn để quay vòng sản xuất. Hiện nay, sản phẩm lợn organic đã chinh phục thị trường Bắc Giang, Hà Nội. HTX cũng đã  thực hiện nhiều đơn hàng cho  các siêu thị, trường học…  HTX đang có thêm nhiều đơn hàng mới ở TP.HCM, từ quân đội nhưng chúng tôi không dám nhận. Vì sao? Vì làm gì có vốn để sản xuất. Như đơn hàng của quân đội, họ sẽ mua hàng ngày, nhưng phải 6 tháng hoặc 1 năm mới thanh toán một lần. Chờ đến kỳ  thanh toán thì chúng tôi không có vốn để mua thức ăn chăn nuôi, trả tiền điện nước,  tiền nhân công… Tóm lại, không có vốn, chúng tôi không thể mở rộng sản xuất.  Thậm chí, hiện để duy trì sản xuất như hiện nay, chúng tôi còn phải vay tín dụng đen với lãi suất 2-3%/tháng, trong khi  vay ngân hàng nông nghiệp chỉ mất khoảng 0,7%/tháng.

Vậy ông kỳ vọng như thế nào vào bức tâm thư gửi 2 lãnh đạo ngành?

- Tôi mong 2 vị tư lệnh ngành  dành thời gian nghiên cứu trường hợp của tôi. Tôi làm thật, sản xuất thật. Cơn bão khủng hoảng giá lợn vừa qua, rồi qua bao đợt dịch bệnh không quật  ngã được  HTX.  Do vậy, tôi kỳ vọng 2 lãnh đạo ngành đọc tâm thư của tôi và sẽ hiện thực hóa thông điệp của Chính phủ, tức chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn về đất đai, cấp sổ đỏ hoặc một loại giấy tờ nào đó có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng cho nông dân chúng tôi.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem