Chủ yếu bán hàng tồn, bất động sản nghỉ dưỡng khó vực dậy trong ngắn hạn

Gia Linh Thứ ba, ngày 24/09/2024 17:54 PM (GMT+7)
Các khó khăn về pháp lý, dòng tiền khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chật vật khó cải thiện nguồn cung. Đa số các sản phẩm giới thiệu ra thị trường là hàng tồn.
Bình luận 0

Bất động sản nghỉ dưỡng vắng bóng dự án mới

Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vấn đề pháp lý và thắt chặt tín dụng. Hệ lụy là hàng loạt dự án đang triển khai phải dang dở, nằm "đắp chiếu" trong thời gian dài, dẫn đến nguồn cung mới trên thị trường rất khan hiếm.

Dữ liệu của DKRA Group cho thấy phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung trong tháng 8 ghi nhận tăng nhẹ so với tháng trước nhưng giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm 2023. Thanh khoản thị trường ở mức thấp, sức cầu giảm xấp xỉ 22% so với tháng trước, lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.

Chủ yếu bán hàng tồn, bất động sản nghỉ dưỡng khó vực dậy trong ngắn hạn- Ảnh 1.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Gia Linh

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Những chính sách cam kết thuê lại, mua lại, hỗ trợ lãi suất... vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Trong khi đó, phân khúc nhà phố, s-house nghỉ dưỡng nguồn cung trong tháng vừa qua cũng không mấy tươi sáng. Theo đó, 100% nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ đã mở bán từ những năm trước. Thanh khoản thị trường gần như chững lại, đa số dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận giao dịch trong tháng vừa qua.

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận một số sản phẩm có mức giá giảm đến 30%-40% nhưng vẫn gặp khó trong thanh khoản.

Trợ lực từ pháp lý đã đủ để bất động sản nghỉ dưỡng "vực dậy"?

Riêng phân khúc condotel, dữ liệu của DKRA Group cho thấy nguồn cung tiếp tục sụt giảm, mức giảm tương đương 7% so với tháng trước. Hầu hết, nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho từ những dự án cũ, chiếm 99% tổng nguồn cung. Sức cầu thị trường giảm đáng kể, giảm hơn 53% so với tháng trước. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện với tổng giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.

Mặt bằng giá bán không có nhiều biến động rõ nét so với tháng trước và vẫn neo ở mức cao. Những chính sách cam kết/chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... tiếp tục được áp dụng nhằm gia tăng thanh khoản.

Chủ yếu bán hàng tồn, bất động sản nghỉ dưỡng khó vực dậy trong ngắn hạn- Ảnh 3.

Nguồn cung các dự án nghỉ dưỡng thời gian qua chủ yếu là hàng tồn. Ảnh: Gia Linh

Điều đáng nói, trước đó, phân khúc này từng được kỳ vọng sẽ sớm trở mình với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10 về việc sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bao gồm việc cho phép căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế từ thị trường thì phân khúc condotel vẫn chưa thể lọt qua "khe cửa hẹp" để vực dậy.

Ghi nhận của Dân Việt, thị trường bất động sản phía Nam như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà… hầu như không có sản phẩm đến từ dự án mới. Các chủ đầu tư chủ yếu triển khai công tác bán hàng hay chào quảng cáo các sản phẩm từ các giỏ hàng cũ.

Đơn cử, dự án Thanh Long Bay của Nam Group được quảng bá là tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao với quy mô khoảng 90 ha được chào bán từ 2019. Hiện tại, chủ đầu tư vẫn triển khai xây dựng một vài phân khu và chưa "tung" ra thị trường các sản phẩm thuộc giai đoạn mới của dự án. 

Ngoài ra, nhiều dự án khác như Charm Resort Hồ Tràm của NovaLand, Sumerland Mũi Né của Hưng Lộc Phát... cũng đang phát triển giỏ hàng cũ, dường như không có dự án mới được triển khai trong giai đoạn này.

Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group đánh giá, sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, lượng hàng tồn kho giá trị cao... đã gây ra những trở ngại đáng kể cho bất động sản nghỉ dưỡng. Phân khúc này gần như rơi vào chu kỳ "ngủ đông" kéo dài. Các tháng cuối năm, thị trường được dự báo vẫn sẽ gặp khó trong thanh khoản và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Trong khi đó, ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Datxanh Servies cho rằng, nếu tháo gỡ được các nút thắt về pháp lý dự án và chờ các luật mới có "độ ngấm" vào thị trường, các chủ đầu tư sẽ tập trung được vào việc phát triển sản phẩm mới. Việc chỉn chu về mặt pháp lý và phát triển hạ tầng sẽ kéo theo tâm lý an tâm của nhà đầu tư khi rót vốn vào mua dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem