Trở lại với cuộc đời
Sinh được đứa con bụ bẫm, xinh đẹp, cả nhà chị Phùng Thị Yên (Mê Linh, Hà Nội) mừng rỡ. Nhưng niềm vui vụt tắt khi 11 tháng, Hữu Huy - con chị Yên vẫn không ngồi được, đến việc cầm nắm các vật dụng cũng rất khó khăn.
|
Bé Hữu Huy (nằm) được điều trị điện châm. |
Đưa con đến Bệnh viện Nhi T.Ư, chị Yên tưởng như trời sụp xuống khi bác sĩ chẩn đoán con chị bị bại não. Uống thuốc, chữa trị, thậm chí khi Huy 17 tháng tuổi, chị đã đưa con xuống Bệnh viện Nhi T.Ư để tập phục hồi chức năng nhưng vẫn không đỡ. Hữu Huy 3 tuổi mà cơ thể vẫn mềm oặt như bún, không ngóc đầu lên được, cũng không nói được tiếng nào.
Lúc gần như tuyệt vọng, chị Yên được mách đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư. Sau 3 đợt châm cứu, hiện nay, con chị đã bắt đầu bập bẹ nói, và chập chững những bước đi đầu tiên. “Đợi đến lúc con 3 tuổi mới gọi “ẹ ẹ” mà tôi mừng rớt nước mắt. Lần đầu tiên nghe con gọi tiếng mẹ, người khác mừng 1, thì tôi phải mừng gấp cả trăm lần”- chị Yên cho biết.
Cháu Tuấn Minh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã châm cứu được 4 năm. Lúc 1 tuổi, cháu không đi lại được, không nói được, cổ lúc nào cũng ngặt nghẽo, rãi rớt liên tục chảy ướt áo. Nhưng sau 1 năm châm cứu cháu nói được, 2 năm thì đi lại được. “Bây giờ cháu đá bóng giỏi, nói tốt, nhận biết tốt, chỉ có tay phải cầm nắm chưa tốt nên thi thoảng gia đình lại cho cháu đến bệnh viện châm cứu tiếp” – mẹ Tuấn Minh cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tú Anh –Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Châm cứu T.Ư) cho biết, mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 250-300 bệnh nhân bại não, phần lớn là thể nặng và rất nặng, trong đó trẻ bị liệt tứ chi chiếm khoảng 80-90%, liệt nửa người chiếm 5-7%, còn lại là liệt 2 chân. Ngoài ra còn có bệnh nhân với các di chứng khác như không nói được hoặc chỉ ú ớ vài tiếng, cổ ngoẹo và bị co giật, điếc, kém nhận biết hoặc thiểu năng trí tuệ... Mỗi năm, ước tính cả nước có khoảng 200.000 trẻ bị bại não.
Càng can thiệp sớm, càng dễ chữa
Theo bác sĩ Tú Anh, các cháu bị liệt, thiểu năng trí tuệ đến nhập viện thường là do bại não (bẩm sinh), di chứng viêm não, tự kỷ, chấn thương sọ não, di chứng viêm đa rễ dây thần kinh, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên… Các bác sĩ Bệnh viện Châm cứu sẽ tác động kích thích các huyệt, dưỡng khí, thông kinh lạc bằng các phương pháp điện châm, thủy châm, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt và giáo dục hòa nhập.
Thời gian bắt đầu châm cứu hiệu quả nhất cho trẻ bị bại não, liệt là từ 6 tháng tuổi. Nếu cha mẹ thấy con mình 6 tháng chưa cất được cổ, không biết lẫy, bò thì nên đưa đi khám tại bệnh viện để được điều trị kịp thời.
“Tùy theo thể trạng bệnh tật mà sức khỏe các cháu tiến triển nhanh hay chậm. Mỗi đợt điều trị kéo dài 1 tháng, sau khi nghỉ 15-30 ngày lại tiến hành đợt 2. Nhưng mỗi năm cũng chỉ nên điều trị 3-4 đợt. Có cháu chỉ sau 1 đợt là vận động được, có cháu sau 3-4 đợt châm cứu thì đi được, nói được, giảm co giật…” - bác sĩ Tú Anh cho biết.
Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã theo dõi, đánh giá hơn 4.000 trẻ bại não điều trị bằng phương pháp châm cứu từ 2009-2011. Kết quả cho thấy, 18-21% các cháu khỏi hoàn toàn (đi lại, nói, đi học, hòa nhập tốt), 60-75% cải thiện rõ rệt (ngồi vững, bò, đứng vịn, đứng, đi men, nói thêm từ, hiểu lời nói) và chỉ 1-5% trẻ không có kết quả do chịu nhiều ảnh hưởng của các bệnh lý khác.
Đặc biệt, bác sĩ Tú Anh cho biết, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các cháu dưới 6 tuổi đều được bảo hiểm chi trả, kể cả không có thẻ BHYT. Còn những cháu trên 6 tuổi chỉ phải trả tiền xét nghiệm, còn tiền thủ thuật, giường nằm đều miễn phí.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.