Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới: Các nhà khoa học lên tiếng

Minh Anh Thứ hai, ngày 12/03/2018 13:10 PM (GMT+7)
Mặc dù Bộ VHTTDL có thỏa thuận đồng ý về việc xây tam quan ở Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Tuy nhiên, việc xây mới cổng tam quan vẫn chưa nhận được sự tán đồng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những người yêu kính đạo Phật.
Bình luận 0

Sau những thông tin về việc xây dựng cổng tam quan được đăng tải, bạn đọc báo điện tử Dân Việt tiếp tục có những ý kiến bức xúc trước việc một địa chỉ văn hóa tâm linh quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng.

img

Bậc thềm lên chùa

Họa sĩ Đăng Kính, người đã có nhiều năm nghiên cứu về đình chùa và là một Phật tử thốt lên nuối tiếc: “Thôi thế là lại mất một giá trị nghệ thuật chùa cổ độc nhất vô nhị ở Kinh Bắc rồi. Không có tam quan là điểm riêng đặc biệt của ngôi cổ tự Bổ Đà giờ đã bị cào bằng lẫn với các công trình khác, mà thêm tam quan rốt cuộc cũng đâu có đẹp hơn?! Nền tảng kiến trúc cũ vốn cũng đã để lại dấu ấn quen thuộc và hài hòa với địa hình nguyên thủy của chùa. Đâu phải các cổ đức tiền bối bỏ tam quan một cách tùy tiện, phải chăng các ngài muốn nói rằng Phật giáo chính là đời thường, là những điều bình dị nhất ở ngay xung quanh chúng ta, ngay trong tâm mỗi chúng ta, là chính chúng ta... không thể có khoảng cách, ranh giới ngăn ngại nhưng vẫn rất thoát tục tôn nghiêm.

Sự suy đoán này rất có lý vì cũng kết hợp với lịch sử ra đời và trùng tu của chùa qua các triều đại Lý, Trần, Lê- thời đại hưng thịnh của Phật giáo, những thời đại mà Phật giáo là Quốc giáo, Phật giáo làm gốc cho chính sách an dân và xây dựng đất nước... Tu bổ trên tinh thần bảo tồn di tích cổ khi bị hư hoại là cần thiết nhưng phá vỡ giá trị lịch sử của di tích là đáng tiếc! Thật là đau xót đau xót!”.

img

Nguyên vật liệu được chuẩn bị để cho việc xây dựng cổng tam quan mới.

Có hay không dấu vết tam quan cũ?

Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Ngoài ra, chùa còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Về nguyên bản, chùa Bổ Đà là một trong số ít những ngôi chùa độc đáo vì không có cổng tam quan. Được coi là một “chốn tổ”, nên việc trùng tu, tôn tạo cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng chứ không thể cẩu thả.

Trả lời báo chí, nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai, người nhiều năm đi lại chùa này, cho biết: “Chùa Bổ Đà có cái hay là nó nhỏ. Bổ Đà vừa là một chùa vừa là một công trình phòng thủ nữa với tường đất xây cao. Nếu muốn xây thêm gì đó thì phải tôn trọng việc giữ tỷ lệ. Xây một cái cổng quá to thì sẽ phá vỡ tỷ lệ đó. Theo tôi, việc xây thêm này rất đáng tiếc vì về mặt thấu thị, thẩm mỹ, nó làm tỷ lệ của chùa cũ bị lệch lạc”.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, chủ biên cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích thì một trong những điểm độc đáo của chùa Bổ Đà là ở chỗ “chùa không có tam quan dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất”. “Mặc dù có nhiều hạng mục công trình, nhưng ở chùa Tứ Ân lại không có tam quan… Lối chính vào khu nội tự nằm phía Tây và phải đi qua hai lớp cổng cách nhau khoảng 50m. Đoạn đường giữa hai cổng rộng khoảng 2m, lát đá sa thạch, hai bên có tường đắp đất cao hơn 2m”- trích trong cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích”, trang 211.

Tuy nhiên Đại đức Thích Thanh Vinh - Trụ trì chùa Bổ Đà lại cho biết: "Ngôi chùa này ngày xưa chưa có cổng tam quan chứ không phải không có cổng tam quan. Thời xưa cũng đã làm đất, hệ thống kè gỗ để làm thành cổng, nhưng sau đó do tác động ngoại cảnh mà mất đi những tảng đá ngầm, nơi dự tính xây thành cổng. Giờ đây thì phần bia đó vẫn còn, dù sau khi kháng chiến đã có những đợt đốt đình, đốt chùa nhưng khu vực này vẫn còn.

img

 Vườn tháp chùa Bổ Đà

Trao đổi với chúng tôi xing quanh việc trùng tu, tôn tạo và xây mới tam quan ở chùa Bổ Đà, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đến thời điểm này không còn bàn cãi về giá trị lịch sử của chùa Bổ Đà, bởi vì chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt. Việc xây dựng bất cứ một cái gì là công trình mới trên không gian của di tích lịch sử nói chúng, đặc biệt là di tích lịch sử đặc biệt thì đều phải có phép tắc. Không có nghĩa cấm tuyệt đối không được xây gì, nhưng nếu muốn xây một cái gì mới cũng phải trên cơ sở luận chứng đầy đủ và phải có phép tắc. Việc này đã được Cục Di sản xin phép Bộ VHTTDL trước khi xây dựng. Lập luận của dòng tu ấy nói rằng cách đây 200 năm có 2 ngôi chùa cùng một thiền phái, dân làng và môn phái muốn xây dựng cổng tam quan thì có một ngôi chùa đã xây xong rồi, nhưng vì nhiều lý do mà Bổ Đà chưa xây được - đấy là câu chuyện từ truyền thuyết để lại, nên các cụ có nguyện vọng muốn xây dựng như mong ước của người xưa. Từ tâm nguyện ấy, Bộ VHTTDL đã có hướng dẫn cụ thể xây dựng và kiến trúc làm sao để phù hợp với cảnh quan".

Từ những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên liên quan đến cổng tam quan, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Đúng như ý kiến của TS Nguyễn Hồng Kiên, trước kia chùa không có tam quan, bây giờ có mà lại xuất hiện trong thời điểm vừa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia thì đương nhiên nhiều người sẽ có phản hồi ngay rằng việc làm này liệu có phù hợp với nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” - một trong những đặc điểm của ngôi chùa này ngoài giá trị về mặt phi vật thể thì vẫn giữ được kiến trúc rất cổ. Luật không cấm, những xây dựng ở chỗ nào, xây như thế nào thì phải được phép”.

img

Bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị

Phải tổ chức hội thảo trước khi trùng tu

PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Nếu ai đó nói chùa Bổ Đà có cổng Tam quan thì phải có thăm dò, khám xét khảo cổ, phải đào, phải tìm và nghiên cứu kỹ xem có nền móng cũ hay không?. Nếu có thì tốt quá, cứ bám lấy vật liệu, hiện trạng đấy để mà thực hiện, không có vấn đề gì. Còn nếu không có thì phải nghiên cứu cơ sở pháp lý, các điều luật liên quan đến bảo tồn di sản. Mặc dù về lý lẽ theo thời gian cũng có những thay đổi, bổ sung, nhưng bổ sung như thế nào? Trùng tu di tích ở những nơi "nhạy cảm" nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình”.

Còn theo KTS Lê Thành Vinh - một chuyên gia bảo tồn, khi trao đổi với báo chí, ông cho rằng: "Khi can thiệp vào di tích phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu như di tích khi xếp hạng ra sao, trước đấy nó như thế nào, cái gì từng có. Kể cả trường hợp có thành phần trước đây đã từng có thì giờ làm lại hay không cũng phải cân nhắc. Nếu qua một giai đoạn lịch sử nó đã bị chuyển hóa do quan niệm hay bối cảnh thì cũng cần cân nhắc có nên làm lại không".

KTS Lê Thành Vinh khẳng định: “Việc xây thêm tam quan ở Bổ Đà là không đủ cơ sở khoa học. Họ có nói đến tâm nguyện nhà chùa. Nhưng có hai cái quan trọng nữa là những quy định pháp luật về bảo tồn di tích và cơ sở khoa học. Ý nguyện của dân và chùa là ý kiến tham khảo thôi. Còn thì việc thiết kế, xử lý di tích phải theo luật và cơ sở khoa học. Rõ ràng nếu chỉ đi theo hai ý kiến tham khảo thì không thể làm cơ sở được”, ông Vinh nói.

Vẫn biết, theo thời gian mọi thứ có thể thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, bảo tồn, trùng tu di tích đã được xếp hạng đặc biệt quốc gia thiết nghĩ cũng cần phải cân nhắc đến giá trị lịch sử chứ không chỉ dựa vào truyền thuyết hay nguyện vọng của một bộ phận nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem